Kế hoạch blog 12 tháng

Hướng dẫn chi tiết các công việc cần làm từng tháng trong năm đầu tiên để tạo nên một blog có lợi nhuận.

(Sắp ra mắt)

Mong muốn của mình là giúp các mẹ bỉm có thể vừa ở nhà chăm con vừa tạo ra thu nhập bền vững từ online.

Xin chào, mình là Phương sinh năm 1991 và là mẹ của một bé gái sinh năm 2019.

Mình viết blog này để chia sẻ về hành trình từ một mẹ bỉm "chập chững" bước vào thế giới làm việc trực tuyến, vượt qua những khó khăn và thử thách, cho đến khi bắt đầu gặt hái những thành quả đầu tiên.

Hy vọng qua những bài viết, mình có thể giúp các mẹ bỉm sữa như mình - những người "thiếu thời gian" và "không rành công nghệ" - tìm thấy hướng đi đúng đắn và hiệu quả trong việc kiếm tiền online.

Hướng dẫn toàn diện

Khám phá con đường kiếm tiền tại nhà hiệu quả qua những hướng dẫn chi tiết và thực tiễn, giúp bạn tăng thu nhập ngay từ chính ngôi nhà của mình.

Bắt đầu một blog

Biến sở thích viết lách của bạn thành nguồn thu nhập ổn định, đồng thời chia sẻ giá trị với cộng đồng và tạo dấu ấn cá nhân.

Bán sản phẩm số

Các sản phẩm số nhỏ như tài liệu, mẫu in ấn có thể mang lại nguồn thu nhập thêm và không quá phức tạp để tạo ra và bán trên thị trường trực tuyến.

Làm việc tại nhà

Tìm kiếm những phương pháp làm việc tại nhà phù hợp, giúp mẹ bận rộn xây dựng sự tự tin và tăng trưởng thu nhập trong khi vẫn có thể chăm sóc gia đình một cách hiệu quả.

Bài viết mới nhất

nen-tang-viet-blog

So sánh 5 nền tảng viết blog phổ biến nhất hiện nay

September 05, 202416 min read

Theo dữ liệu tháng 8/2024 của W3Techs (Web Technology Surveys), một trang chuyên cung cấp thông tin về công nghệ nào được dùng phổ biến nhất trên các trang web, 5 nền tảng làm blog phổ biến nhất hiện nay là: WordPress.org (sau đây sẽ gọi tắt là WordPress), WordPress.com, Shopify, Wix và Squarespace.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau so sánh 5 nền tảng này dựa trên các yếu tố từ kỹ thuật đến trải nghiệm người dùng, giúp bạn lựa chọn nền tảng phù hợp nhất cho nhu cầu làm blog.

1. Đặc điểm chính

WordPress

  • WordPress là một nền tảng mã nguồn mở, cung cấp phần mềm miễn phí để bạn có thể tải về và cài đặt trên máy chủ của mình.

  • Tuy nhiên, để có một blog hoàn chỉnh, ngoài phần mềm ra bạn sẽ cần thuê thêm dịch vụ lưu trữ web (hosting) và mua tên miền riêng.

nen-tang-wordpress.org

WordPress cung cấp phần mềm miễn phí để bạn có thể tải về và cài đặt

WordPress.com

  • WordPress.com là một dịch vụ cung cấp blog trực tuyến chạy trên nền tảng WordPress.

  • Bạn chỉ cần đăng ký tài khoản và chọn gói dịch vụ (miễn phí hoặc trả phí) là có thể bắt đầu viết blog ngay mà không cần cài đặt phần mềm (như WordPress) hay quản lý máy chủ.

nen-tang-wordpress.com

Bạn có thể bắt đầu viết blog ngay với gói dịch vụ miễn phí hoặc trả phí

Shopify

  • Shopify là một nền tảng thương mại điện tử trả phí, cung cấp phần mềm dạng dịch vụ để bạn tạo và quản lý cửa hàng trực tuyến. Tất cả các tính năng cần thiết cho một cửa hàng như giỏ hàng, thanh toán và theo dõi đơn hàng đều được tích hợp trong nền tảng này.

  • Tính năng blog có nhưng không chuyên sâu.

nen-tang-shopify

Shopify giúp bạn tạo và quản lý cửa hàng trực tuyến của mình

Wix

  • Wix là một nền tảng dạng xây dựng website (website builder), tạo blog chỉ bằng cách kéo, thả các thành phần như văn bản, hình ảnh vào giao diện chỉnh sửa. Việc kéo, thả như thế nào là tùy ý bạn.

  • Wix có cả bản miễn phí và trả phí.

nen-tang-wix

Wix cho phép bạn tạo blog chỉ bằng cách kéo, thả các thành phần

Squarespace

  • Squarespace cũng là một nền tảng dạng xây dựng website tương tự như Wix, trả phí. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể kéo, thả các thành phần vào những vị trí đã được cố định trong giao diện chỉnh sửa.

  • Squarespace chỉ có bản trả phí.

nen-tang-squarespace

Với Squarespace, bạn chỉ có thể kéo, thả các thành phần vào những vị trí đã được cố định

2. Hosting và tên miền

WordPress

  • Bạn sẽ cần thuê thêm dịch vụ lưu trữ web (hosting).

    WordPress recommend các hosting bao gồm: Bluehost, Hostinger, DreamHost, WordPress.com.

    Tuy nhiên, nếu đối tượng bạn hướng đến là người Việt thì bạn nên chọn dịch vụ hosting trong nước để tối ưu trải nghiệm truy cập.

  • Và mua tên miền (địa chỉ website)

    Bạn có thể mua tên miền trực tiếp từ dịch vụ hosting bạn đã chọn để tránh việc phải trỏ tên miền về hosting (khá rắc rối cho người mới).

WordPress.com

  • Hosting đã đi kèm trong dịch vụ được cung cấp bởi WordPress.com

  • Khi sử dụng gói miễn phí, tên miền của bạn sẽ có dạng tenmiencuaban.wordpress.com. Nếu muốn sử dụng tên miền riêng, bạn cần nâng cấp lên gói trả phí.

Shopify

  • Hosting đã đi kèm trong dịch vụ được cung cấp bởi Shopify

  • Bạn có thể đăng ký tên miền riêng ngay trên nền tảng Shopify.

Wix

  • Hosting đã đi kèm trong dịch vụ được cung cấp bởi Wix

  • Tương tự WordPress.com, khi sử dụng gói miễn phí, tên miền của bạn sẽ có dạng tenmiencuaban.wix.com. Nếu muốn sử dụng tên miền riêng, bạn cần nâng cấp lên gói trả phí.

Squarespace

  • Hosting đã đi kèm trong dịch vụ được cung cấp bởi Squarespace

  • Tương tự Shopify, bạn có thể đăng ký tên miền riêng ngay trên nền tảng Squarespace.

3. Plugin và App

WordPress:

  • WordPress sở hữu kho plugin phong phú, với hàng chục nghìn tùy chọn miễn phí (chưa tính các plugin có phí).

  • Bạn có thể thoải mái cài đặt và mở rộng các tính năng cho blog của mình mà không bị giới hạn.

wordpress-plugin

WordPress sở hữu kho plugin phong phú, với hàng chục nghìn tùy chọn miễn phí

WordPress.com:

  • Dù chạy trên nền tảng WordPress, WordPress.com có kho plugin hạn chế hơn nhiều.

  • Nếu dùng gói miễn phí, bạn sẽ không thể cài đặt thêm plugin nào.

Shopify:

  • Shopify đã tích hợp sẵn một số tính năng quan trọng cho các trang web thương mại điện tử.

  • Nếu cần thêm tính năng, bạn có thể tìm và cài đặt từ cửa hàng ứng dụng (Shopify App Store).

  • Tuy nhiên, khả năng cài đặt này có thể bị giới hạn hoặc yêu cầu trả phí, tùy thuộc vào gói dịch vụ mà bạn chọn.

Wix:

  • Wix cung cấp rất ít tùy chọn mở rộng cho gói miễn phí.

  • Bạn cần nâng cấp lên gói trả phí để có thể sử dụng các tính năng quan trọng như SEO hoặc tích hợp các dịch vụ của Google.

  • So với WordPress, các tính năng bổ sung của Wix còn nhiều hạn chế.

Squarespace:

  • Squarespace cung cấp các tính năng mở rộng tương ứng với gói dịch vụ bạn chọn.

  • Bạn có thể mở rộng thêm tính năng theo nhu cầu, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế nếu so với WordPress.

4. SEO

WordPress:

  • Đây là nền tảng hỗ trợ SEO tốt nhất nhờ các plugin mạnh như Yoast SEO hay Rank Math.

  • Bạn có thể tùy chỉnh mọi yếu tố SEO.

WordPress.com:

  • Gói miễn phí của WordPress.com không hỗ trợ SEO.

  • Ngay cả khi sử dụng gói trả phí, tính năng SEO cũng bị giới hạn do số lượng plugin ít hơn so với WordPress.

seo-wordpress.com

Tính năng SEO của WordPress.com rất giới hạn

Shopify:

  • Shopify có sẵn cấu trúc blog tối ưu cho các trang thương mại điện tử, vì vậy bạn không cần lo lắng nhiều về việc tối ưu cấu trúc.

  • Bạn cũng có thể thêm các tính năng khác để cải thiện nội dung cho website.

Wix:

  • Wix không cung cấp tính năng SEO cho các website dùng gói miễn phí.

  • Với gói trả phí, tính năng SEO đã được tích hợp sẵn và chỉ cần vài thao tác cài đặt đơn giản là bạn có thể kích hoạt chúng. Tùy vào gói dịch vụ bạn chọn, các tính năng này có thể được mở rộng thêm.

Squarespace:

  • Squarespace tích hợp sẵn các tính năng SEO cơ bản cho blog. Bạn chỉ cần dành một chút thời gian để tìm hiểu và có thể dễ dàng cài đặt chúng cho website của mình.

5. Bảo mật

WordPress:

  • Thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công từ hacker.

  • Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên cập nhật giao diện và plugin, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo mật như cài đặt mật khẩu hai lớp, thay đổi đường dẫn đăng nhập, và cài SSL để bảo vệ dữ liệu truyền tải giữa máy chủ và trình duyệt, bạn có thể yên tâm sử dụng WordPress.

WordPress.com:

  • Vấn đề bảo mật được quản lý bởi nhà cung cấp dịch vụ, họ sẽ tự động khắc phục lỗ hổng bảo mật và cập nhật khi cần thiết nên an toàn hơn cho người sử dụng.

Shopify, Wix, Squarespace:

  • Cả ba đều tích hợp các biện pháp bảo mật an toàn cho người dùng, không cần lo lắng về quản lý bảo mật.

bao-mat-wordpress

Ngoài WordPress ra thì các nền tảng còn lại khá an toàn cho người dùng

6. Thương mại điện tử

WordPress:

  • Có rất nhiều plugin hỗ trợ, trong đó nổi bật nhất là WooCommerce, cho phép tạo cửa hàng trực tuyến với nhiều tính năng tùy chỉnh. Tuy nhiên, việc cài WooCommerce có thể sẽ phức tạp hơn so với các nền tảng khác.

  • Bạn có thể cài thêm nhiều plugin miễn phí khác mà không phải trả phí hay gặp giới hạn.

WordPress.com:

  • Phiên bản miễn phí của WordPress.com không hỗ trợ tính năng thương mại điện tử. Bạn cần nâng cấp để có thể cài đặt plugin và sử dụng.

Shopify:

  • Là nền tảng chuyên biệt cho thương mại điện tử, Shopify cung cấp đầy đủ tính năng cần thiết cho việc mở cửa hàng online.

  • Tuy nhiên:

    • Mỗi đơn hàng thành công sẽ bị tính một khoản phí.

    • Nếu thanh toán qua thẻ tín dụng, bạn sẽ bị tính thêm phí cố định.

Wix:

  • Cài đặt cửa hàng trên Wix khá dễ dàng nhờ tính năng tích hợp sẵn (ngoại trừ gói miễn phí). Hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

  • Tuy nhiên:

    • Một số cổng thanh toán như Paypal không được hỗ trợ trên Wix.

    • Khách hàng thanh toán thành công có thể sẽ làm phát sinh phí.

cua-hang-tren-wix

Cài đặt cửa hàng trên Wix khá dễ dàng nhờ tính năng tích hợp sẵn

Squarespace:

  • Squarespace cung cấp một vài tính năng vượt trội so với Wix trong việc thiết lập và thanh toán cửa hàng như: thẻ quà tặng, thông báo khi hàng về thêm và thông báo khi hàng sắp hết.

7. Tính dễ sử dụng

WordPress:

  • Cần phải mua hosting, tên miền và cài đặt WordPress, việc này có thể tốn nhiều thời gian và công sức.

  • Tùy biến blog trên WordPress đòi hỏi phải tự học hỏi và tìm hiểu, điều này có thể làm nản lòng người mới bắt đầu.

WordPress.com:

  • Thích hợp cho những người mới bắt đầu không có yêu cầu cao về giao diện hoặc tính năng của blog.

  • Không cần phải mua hosting hay tên miền riêng, bạn chỉ cần chọn một giao diện có sẵn là có thể bắt đầu viết blog ngay.

Shopify:

  • Dễ sử dụng đối với người mới.

  • Chỉ cần sử dụng các mẫu thiết kế và tính năng có sẵn để xây dựng cửa hàng trực tuyến của mình.

Wix:

  • Rất phù hợp cho người mới bắt đầu.

  • Bạn có thể dễ dàng kéo thả các phần tử trên trang và sử dụng các tính năng có sẵn như SEO, thương mại điện tử, tổ chức sự kiện, tất cả chỉ với vài cú nhấp chuột.

Squarespace:

  • Cũng thích hợp cho người mới bắt đầu.

  • Bạn có thể nhanh chóng nắm bắt cách tùy chỉnh website nếu dành chút thời gian để tìm hiểu cơ bản về cách hoạt động của nó.

8. Khả năng tùy biến giao diện

Wordpress

  • Cung cấp hàng chục nghìn giao diện miễn phí và trả phí.

  • Bạn có thể dễ dàng chọn lựa giao diện phù hợp với nhu cầu cá nhân.

  • WordPress cho phép thêm mã để tùy chỉnh giao diện, tạo ra một website độc đáo và cá tính riêng. Đây là ưu điểm vượt trội của WordPress so với các nền tảng khác.

theme-wordpress.org

WordPress cung cấp hơn 10.000 giao diện miễn phí

WordPress.com

  • Khả năng tùy biến trên nền tảng này khá hạn chế, với ít mẫu hơn so với WordPress.

  • Nếu sử dụng gói miễn phí, kho giao diện sẽ bị giới hạn.

Shopify

  • Cung cấp các mẫu giao diện có sẵn để bạn cài đặt, nhưng không cho phép tùy biến giao diện một cách linh hoạt như WordPress.

Wix

  • Bạn có thể sử dụng các mẫu giao diện có sẵn và tùy chỉnh bằng cách kéo thả các phần tử theo ý muốn.

  • Wix nổi bật với tính năng thiết kế bằng trí tuệ nhân tạo, cho phép tạo website nhanh chóng chỉ với vài cú nhấp chuột.

Squarespace

  • Bạn có thể tùy chỉnh các mẫu giao diện có sẵn bằng cách kéo thả phần tử trên Squarespace.

  • Squarespace nổi bật với nhiều giao diện thiết kế đẹp mắt, phù hợp cho những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.

9. Hỗ trợ người dùng

WordPress

  • Hỗ trợ người dùng thông qua tài liệu hướng dẫn và các diễn đàn trực tuyến.

  • Nhiều nhà cung cấp hosting có hỗ trợ nhiệt tình qua điện thoại, email,... Phần lớn dịch vụ hỗ trợ khách hàng hoạt động 24/7 qua live chat.

  • Cộng đồng người dùng lớn mạnh, giúp bạn dễ dàng tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng khi gặp vấn đề.

WordPress.com

  • Hỗ trợ khách hàng 24/7 qua trung tâm hỗ trợ và các diễn đàn.

Shopify

  • Hỗ trợ khách hàng 24/7 qua live chat, email và điện thoại.

Wix

  • Cung cấp dịch vụ hỗ trợ 24/7 qua trung tâm hỗ trợ và gần đây đã triển khai live chat ở một số quốc gia.

  • Người dùng gói miễn phí vẫn được hỗ trợ nhưng sẽ không được ưu tiên như khách hàng trả phí.

wix-trung-tam-ho-tro

Wix chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ 24/7 qua trung tâm hỗ trợ

Squarespace

  • Hỗ trợ khách hàng 24/7 qua email và Twitter.

10. Chi phí sử dụng

(Số liệu vào tháng 8/2024)

WordPress

  • Khi sử dụng WordPress, bạn cần phải mua hosting và tên miền. Tuy nhiên, có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ, nên nếu bạn tìm hiểu kỹ, bạn có thể chọn được dịch vụ với giá rất phải chăng.

  • Tùy thuộc vào nhà cung cấp và các chương trình khuyến mãi, chi phí trung bình cho người mới bắt đầu khoảng 280.000đ cho tên miền (.com) và 500.000đ cho hosting. Tổng chi phí duy trì website trong một năm khoảng 800.000đ.

Với 3 năm đầu của blog Lammetudo thì mình mất chưa đến 1 triệu 1 năm cho Hosting và tên miền. Mình thuê hosting Armada trong 3 năm (được miễn phí tên miền 1 năm): đúng đợt Black Friday được sale 80% còn $129, tính ra $43/năm, quy đổi ngày ấy $1=23k VND thì mất 989k/năm.

Nhưng sau 3 năm thì giá tăng "hú hồn". Được cái 3 năm đầu thì giá rẻ, ngang giá hosting trong nước nên nếu bạn muốn thuê hosting nước ngoài thì bạn vẫn có thể cân nhắc thuê hosting này sau đó chuyển sang hosting khác.

Hosting nước ngoài thì bạn có thể tham khảo chuyển sang hosting Cloudways, đây là một hosting có tốc độ nhanh, đáng tin cậy, có khả năng mở rộng, không giới hạn số lượng website và đặc biệt cho phép thanh toán hàng tháng thay vì năm với nhiều gói linh hoạt, bạn có thể dùng thử miễn phí trong 3 ngày TẠI ĐÂY.

Hosting trong nước thì mình đề xuất Azdigi, được đánh giá là hosting số 1 tại Việt Nam, bạn có thể dùng thử miễn phí TẠI ĐÂY.

Ngoài ra mình mua thêm theme Soledad. Đây là theme có nhiều giao diện cho đủ tất cả các ngành, theme đẹp và có nhiều tính năng hỗ trợ tốt: cũng đúng đợt Black Friday được sale 80% còn $29 dùng trọn đời, quy đổi ngày ấy $1=23k VND thì mất 667k.

Bạn cũng có thể bắt đầu với một theme miễn phí sau đó nâng cấp nếu cần, mình đề xuất theme free Kadence, vừa nhanh, vừa nhẹ lại tùy chỉnh linh hoạt.

WordPress.com

  • WordPress.com cung cấp hai gói: gói miễn phí và gói trả phí với giá từ 4$ đến 45$ mỗi tháng.

chi-phi-su-dung-wordpress.com

WordPress.com cung cấp cả gói miễn phí và trả phí

Shopify

  • Shopify có các gói dịch vụ từ 19$ đến 299$ mỗi tháng, nghĩa là bạn phải trả ít nhất khoảng 6.000.000đ/năm để sử dụng, chưa bao gồm các chi phí khác như ứng dụng và phí thanh toán.

  • Bạn có thể dùng thử Shopify trong 14 ngày.

chi-phi-su-dung-shopify

Shopify có các gói dịch vụ từ 19$ đến 299$ mỗi tháng

Wix

  • Wix cho phép bạn bắt đầu một blog miễn phí.

  • Wix cũng cung cấp các gói nâng cao từ 4,5$ – 46$ mỗi tháng, tùy vào nhu cầu của bạn. Gói phổ biến nhất là 11$ mỗi tháng (khoảng 3.500.000đ/năm).

chi-phi-su-dung-wix

Wix cũng cung cấp các gói nâng cao từ 4,5$ – 46$ mỗi tháng

Squarespace

  • Squarespace có các gói dịch vụ dao động từ 16$ – 52$ mỗi tháng. Gói phổ biến nhất có giá 23$ mỗi tháng (khoảng 7.200.000đ/năm).

  • Squarespace cũng có chương trình dùng thử trong 14 ngày.

chi-phi-su-dung-squarespace

Squarespace có các gói dịch vụ dao động từ 16$ – 52$ mỗi tháng

Tóm lại, nên sử dụng nền tảng nào để viết blog?

Việc chọn nền tảng phù hợp để viết blog phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mục tiêu sử dụng, khả năng kỹ thuật, ngân sách, và sở thích cá nhân của bạn. Dưới đây là một số gợi ý dựa trên phần so sánh các nền tảng phổ biến bên trên:

WordPress

  • Phù hợp với: Những ai muốn sự linh hoạt cao nhất, toàn quyền kiểm soát giao diện và tính năng của blog. Nếu bạn sẵn sàng đầu tư thời gian để học hỏi và tùy chỉnh, WordPress sẽ là lựa chọn tốt nhất.

  • Ưu điểm: Hỗ trợ SEO mạnh mẽ, hàng chục nghìn plugin miễn phí, khả năng tùy biến giao diện không giới hạn.

  • Nhược điểm: Yêu cầu phải mua hosting và tên miền, cần kiến thức kỹ thuật để cài đặt và bảo trì.

WordPress.com:

  • Phù hợp với: Người mới bắt đầu không có yêu cầu cao về tùy biến và muốn sự đơn giản trong việc khởi tạo blog mà không cần lo về quản lý hosting.

  • Ưu điểm: Dễ sử dụng, không cần mua hosting hoặc cài đặt phần mềm.

  • Nhược điểm: Hạn chế về khả năng tùy biến và plugin, đặc biệt nếu sử dụng gói miễn phí.

Shopify:

  • Phù hợp với: Những người muốn kết hợp viết blog với kinh doanh trực tuyến. Nếu mục tiêu chính của bạn là bán hàng, Shopify là một lựa chọn mạnh mẽ.

  • Ưu điểm: Tích hợp sẵn các tính năng thương mại điện tử, dễ sử dụng.

  • Nhược điểm: Chi phí cao, tính năng blog không chuyên sâu.

Wix:

  • Phù hợp với: Người mới bắt đầu, muốn tạo blog nhanh chóng mà không cần nhiều kiến thức kỹ thuật. Thích hợp cho những ai muốn tự do kéo thả để tạo giao diện.

  • Ưu điểm: Dễ sử dụng với giao diện kéo thả, có bản miễn phí để thử nghiệm.

  • Nhược điểm: Hạn chế về SEO và khả năng mở rộng so với WordPress, tính năng nâng cao cần nâng cấp lên gói trả phí.

Squarespace:

  • Phù hợp với: Người làm trong lĩnh vực nghệ thuật hoặc những ai muốn tạo một blog với thiết kế đẹp mắt mà không cần quá nhiều tùy biến kỹ thuật.

  • Ưu điểm: Giao diện thiết kế đẹp, dễ sử dụng, tích hợp sẵn các tính năng cần thiết.

  • Nhược điểm: Tính năng kéo thả bị giới hạn trong những khu vực cố định, chỉ có gói trả phí.

Lời kết

Tổng kết lại, WordPress mạnh mẽ trong tùy biến và SEO, Wix và Squarespace thích hợp cho người mới bắt đầu, Shopify tối ưu cho thương mại điện tử, còn WordPress.com lý tưởng nếu bạn cần sự đơn giản.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các nền tảng làm blog phổ biến trên, từ đó có thể lựa chọn được nền tảng phù hợp nhất với nhu cầu của mình.

Back to Blog

Phản hồi của độc giả

Mọi người nói gì về những bài viết

trên blog Lammetudo

Bản tin hàng tuần

Hãy đăng ký để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất

Copyright © 2024 Lammetudo