(Sắp ra mắt)
Xin chào, mình là Phương sinh năm 1991 và là mẹ của một bé gái sinh năm 2019.
Mình viết blog này để chia sẻ về hành trình từ một mẹ bỉm "chập chững" bước vào thế giới làm việc trực tuyến, vượt qua những khó khăn và thử thách, cho đến khi bắt đầu gặt hái những thành quả đầu tiên.
Hy vọng qua những bài viết, mình có thể giúp các mẹ bỉm sữa như mình - những người "thiếu thời gian" và "không rành công nghệ" - tìm thấy hướng đi đúng đắn và hiệu quả trong việc kiếm tiền online.
Hướng dẫn toàn diện
Biến sở thích viết lách của bạn thành nguồn thu nhập ổn định, đồng thời chia sẻ giá trị với cộng đồng và tạo dấu ấn cá nhân.
Các sản phẩm số nhỏ như tài liệu, mẫu in ấn có thể mang lại nguồn thu nhập thêm và không quá phức tạp để tạo ra và bán trên thị trường trực tuyến.
Tìm kiếm những phương pháp làm việc tại nhà phù hợp, giúp mẹ bận rộn xây dựng sự tự tin và tăng trưởng thu nhập trong khi vẫn có thể chăm sóc gia đình một cách hiệu quả.
Bài viết mới nhất
Hai năm trước dịch Covid, mình đã từng tham gia vào một mô hình tiếp thị mạng lưới - mà gọi ngắn là đa cấp. Khi ấy bố mẹ mình đều bệnh nặng, mình nghỉ việc để chăm sóc bố mẹ. Rồi sau khi mẹ mất, mình mang thai và chăm con, bận rộn nên mình kệ cũng không tìm hiểu kỹ lưỡng các cơ hội khác mà đã tiếp tục tham gia đa cấp. Mãi sau này khi không còn làm nữa, mình nhận ra một số sự thật về cơ chế hoạt động và bản chất của đa cấp mà từ đầu không ai chỉ cho mình cả.
Gần đây, mình thấy có một số người dùng từ "affiliate" (tiếp thị liên kết) để mô tả hoạt động trong đa cấp của họ. Điều này có thể gây nhầm lẫn cho những người mới không rõ hai mô hình này. Do đó nên mình muốn làm rõ hai khái niệm này trước tiên.
Đa cấp, hay còn gọi là Marketing đa cấp (Multi-Level Marketing, viết tắt là MLM), là một mô hình kinh doanh trong đó thu nhập của người tham gia không chỉ đến từ việc bán sản phẩm trực tiếp mà còn từ hoa hồng thu được qua việc tuyển dụng thành viên mới vào mạng lưới của họ.
Bạn có thể nhìn vào sơ đồ cấu trúc bên dưới để hiểu rõ hơn, thành viên đầu tiên ở trên cùng (cấp 1), thành viên này tuyển dụng thêm những người ở hàng dưới (cấp 2). Rồi những người này lại tiếp tục tuyển dụng thêm những người ở hàng dưới nữa (cấp 3). Cứ như vậy lặp đi lặp lại. Mỗi thành viên kiếm được hoa hồng dựa trên doanh số bán hàng của mình cũng như của mạng lưới mà họ đã xây dựng.
Tóm lại, đa cấp yêu cầu bạn không chỉ bán sản phẩm mà còn phải "tuyển dụng mới" để xây dựng mạng lưới, và thu nhập của bạn "phụ thuộc nhiều vào hoa hồng từ đội nhóm đó".
Nó khác với hình thức Tiếp thị liên kết, bạn quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ và nhận hoa hồng từ mỗi giao dịch thành công mà "không cần tuyển dụng thêm người".
Như vậy việc gắn từ “affiliate” để minh họa cho mô hình đa cấp là không chính xác. Sự nhầm lẫn này có thể do họ chưa rõ về mặt khái niệm, sai câu chữ, hoặc đây là một thủ thuật gây chú ý (có thể là cố tình đánh tráo khái niệm) để làm cho đa cấp trông giống như tiếp thị liên kết - một hình thức được nhiều người ưa chuộng hơn do tính minh bạch và ít rủi ro, nhằm dễ tuyển dụng người hơn.
Mỗi công ty có yêu cầu riêng về mức đầu tư ban đầu cũng như cần trữ hàng tồn kho hay không, bạn có thể lên website chính thức hoặc liên hệ trực tiếp với họ để tìm hiểu thêm.
Mình không rõ các công ty khác như thế nào nhưng như hồi trước mình từng tham gia Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam thì công ty có yêu cầu phải đầu tư một gói đầu tư ban đầu (họ gọi là gói LOI) nếu muốn trở thành Brand Executive:
LOI có thể là 100 điểm, 200 điểm, thậm chí 1000 điểm, tương đương gần 30 triệu VNĐ, tùy vào lựa chọn của bạn.
Brand Executive là cấp Đại diện thương hiệu của họ, ở chức vụ này có thể nhận được hoa hồng từ đội nhóm mình xây dựng.
Mỗi công ty đa cấp đều có yêu cầu riêng về mức đầu tư ban đầu
Và trong vòng tối đa 6 tháng, bạn phải đạt được 6000 điểm (tức là tương đương gần 200 triệu đồng). Điểm này được tích dần bằng 3 con đường:
Từ hàng bạn tự bỏ tiền túi ra mua.
Từ hàng bạn bán cho khách.
Từ hàng của người bạn tuyển dụng vào hệ thống (hay còn gọi là tuyến dưới).
Sau khi đạt được Brand Executive, bạn vẫn phải duy trì doanh số tối thiểu để giữ vị trí, nếu chẳng may có tháng không đủ thì bạn sẽ bị tụt cấp, và phải làm lại từ đầu, tức là đầu tư một gói LOI và phấn đấu 6 tháng tiếp. Và không chỉ Brand Executive, tất cả các cấp khác đều phải duy trì doanh số như vậy.
(Tất nhiên nếu bạn không muốn trở thành Brand Executive, không nhận hoa hồng đội nhóm mà chỉ đơn thuần là nhập hàng từ công ty và bán cho khách thì không cần đầu tư gì cả).
Công ty không yêu cầu phải trữ hàng tồn kho nhưng khuyến khích các nhà phân phối trữ một lượng hàng nhất định để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Lưu ý: Trong phạm vi bài viết này mình sẽ không bàn đến chất lượng hay giá thành sản phẩm đa cấp mà chỉ bàn đến bản chất của mô hình này.
Mô hình đa cấp ở Việt Nam hiện nay, vì nhiều lý do, vướng khá nhiều điều tiếng.
Cá nhân mình thấy rằng rằng mô hình đa cấp không hẳn là không tốt, thực tế nhiều người mình biết đã và đang rất thành công với mô hình này. Nhưng mình sau hai năm gắn bó, đã từ bỏ, vì một số điều mình nhận ra và thấy không còn phù hợp sau đây:
1. Muốn đạt được thành tựu ở bất kỳ lĩnh vực nào đều cần rất nhiều yếu tố, đa cấp cũng không phải ngoại lệ.
Thành công trong đa cấp đòi hỏi nhiều yếu tố, không chỉ là chăm chỉ mà còn cần sự phù hợp của mô hình đó với từng cá nhân.
Bất kỳ lĩnh vực nào cũng như đa cấp đòi hỏi nhiều yếu tố để thành công
Đối với riêng mình, sau này học hỏi, phát triển bản thân, được biết đến nhiều mô hình kiếm tiền, mình tự nhận thấy rằng với cùng một công sức như nhau, mình có thể thành công hơn trong các lĩnh vực khác—tất nhiên đây chỉ là quan điểm cá nhân và mình không áp đặt nó cho ai.
2. "Dục tốc bất đạt” - việc có một khoản tiền lớn ngay lập tức khi bản thân không có chút kỹ năng, kinh nghiệm gì là không thể.
Việc thành công trong mô hình kinh doanh đa cấp này không phải là chuyện dễ dàng. Có người thành công rực rỡ, nhưng cũng có không ít người thất bại.
Mấu chốt vẫn là bản thân mình có kỹ năng, kinh nghiệm gì để thành công không mà thôi. Ngọc ở đâu thì cũng tỏa sáng. Không phải ai cũng có xuất phát điểm như nhau, việc biết mình ở đâu để cần nỗ lực bao nhiêu thì mới có thể đạt được điều mình muốn; và nó cũng không đến sau một đêm.
3. Việc trả hoa hồng theo đội nhóm dễ dàng làm mờ mục tiêu giúp đỡ người khác. Dù bản thân mình có tốt đến mấy, mình cũng không thể kiểm soát được mọi thứ xung quanh.
Thật ra, khi bạn rủ mọi người tham gia, họ có thể phải đầu tư khá nhiều. Nhiều tiền nhiều kỳ vọng, nếu cuối cùng mọi chuyện không suôn sẻ như mong đợi, họ thậm chí có thể mất trắng.
Khi mong cầu quá lớn mà thực tế không đáp ứng được sẽ khiến sự thất vọng lao thẳng xuống vực sâu, và đây chính là lúc trong tâm trí mọi người bật lên hai chữ “lừa đảo”.
Để tránh điều này, tốt hơn hết là bạn chỉ nên mời những ai thực sự có khả năng và tố chất để thành công. Nhưng thực tế thì việc tìm được những người như vậy không hề dễ dàng.
Cơ chế trả thưởng dễ làm mờ mục tiêu giúp đỡ người khác
Nếu bạn không thận trọng, có thể bạn sẽ mời quá nhiều người mà không thế để tâm tới toàn bộ, chỉ để rồi kiếm được hoa hồng từ họ.
Điều này không những không bền vững mà còn có thể khiến bạn mất đi lòng tin, tệ hơn là mất luôn mối quan hệ đó. Và nếu bạn chỉ mời những người có khả năng thật sự, liệu bạn có chắc họ cũng sẽ mời người khác một cách cẩn thận?
Chưa kể, để giữ vị trí trong hệ thống, bạn phải liên tục duy trì doanh số, nếu không sẽ bị tụt hạng và phải bắt đầu lại từ đầu. Điều này tạo ra áp lực không hề nhỏ, và việc giữ được tâm thái chính trực khách quan trở nên khá khó khăn.
Tóm lại, với kinh nghiệm cá nhân và hiểu biết của mình, thì luôn phải cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng các mô hình kinh doanh mà bạn dự định tham gia, để đảm bảo rằng chúng phù hợp với mục tiêu và nguyện vọng của bạn. Thành công có nhiều con đường, và quan trọng nhất là chọn lựa con đường mà mình thực sự đam mê và tin tưởng.
Chúc mọi người luôn vững bước trên hành trình của mình!
P/s: Mình đã đắn đo rất nhiều trước khi viết bài này. Đây là chia sẻ hoàn toàn dựa theo quan điểm cá nhân, kinh nghiệm, trải nghiệm của cá nhân mình.
Copyright © 2024 Lammetudo