Hành trình nào cũng có những chông chênh nhất định. Đối với việc viết blog, bạn có thể gặp nhiều vấn đề như tìm mãi không ra ngách phù hợp để làm, không đủ nguyên liệu để viết, hay sợ người khác đánh giá, vân vân và vân vân. Bài viết này sẽ chia sẻ 7 vấn đề mà hầu như ai cũng gặp phải khi bắt đầu viết blog, trong đó có mình. Ở mỗi vấn đề, mình sẽ đề xuất một số giải pháp gợi ý mà mình đã thực hiện để vượt qua, mời các bạn cùng đón xem nhé.
MỤC LỤC ĐỌC NHANH
1. Tìm mãi không ra ngách phù hợp để làm

Khi mới bắt đầu viết blog, việc đầu tiên và cũng là việc khoai nhất đối với mình là chọn ngách. Thực sự để tìm được một ngách vừa phù hợp với bản thân lại vừa tiềm năng với thị trường không hề đơn giản. Mình bị loay hoay trong quá nhiều ý tưởng. Cái mà mình thích mình giỏi thì chẳng biết thị trường có đón nhận hay không, rồi thì có mới/cũ, hẹp hay cạnh tranh quá không. Ti tỉ những lo lắng bủa vây tưởng chừng như “chặn đứng” luôn mong muốn trở thành blogger chuyên nghiệp của mình. Mình đã giải quyết bằng ba bước dưới đây.
1.1. Nhìn lại chính mình và nghiên cứu thị trường
Nhưng băn khoăn mãi cũng chẳng giải quyết được gì, mình quyết định phải bắt tay vào nhìn lại chính mình và nghiên cứu thị trường, liệt kê hết tất cả sở thích, sở trường và khả năng kiếm được tiền của từng cái. Ví dụ: Sở trường của mình là kiến thức về kế toán – kiểm toán – tài chính, kinh nghiệm nuôi dạy bé trong 2 năm đầu, vẽ. Sở thích là làm việc tự do, du lịch, chơi với con, đọc sách, xem phim. Tất cả đều có khả năng kiếm được tiền.
1.2. Chấm điểm và chọn lọc ra 1-2 ngách
Tuy nhiên, chọn hết thì nhiều quá, bước tiếp theo mình chấm điểm từng ngách một (thang điểm 5) theo các tiêu chí để có thể nhìn nhận rõ nét hơn về từng sự lựa chọn và thu hẹp mối quan tâm của mình về 1 – 2 ngách nội dung cụ thể. Các tiêu chí bao gồm: độ phù hợp với đam mê, sở trường, tiềm năng, cạnh tranh của thị trường. Sau khi chấm điểm xong, mình quyết định lựa chọn ngách mẹ và bé, làm blog và ngách du lịch (cụ thể ở đây là du lịch cùng con).
1.3. Triển khai ngách thành một vài bài viết và đem thử nghiệm
Bước tiếp theo, mình triển khai các ngách thành một vài bài viết cụ thể, quan sát mối quan tâm của bản thân và phản hồi của người đọc. Ví dụ như, khi thực hiện những bài viết liên quan đến ngách du lịch cùng con như Lang thang cùng con tạiBangkok 6n5đ, Lần đầu du lịch Phú Quốc tự túc 3n2đ với con,… mình thấy bản thân ngày càng yêu thích chủ đề này, thêm vào đó, mình cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc, từ đó mình càng yên tâm để lập kế hoạch phát triển mảng nội dung này.
2. Không đủ nguyên liệu để viết

Trong quá trình viết, không ít lần mình cảm thấy “thiếu”: thiếu ý tưởng, thiếu thông tin, thiếu những câu chuyện hay dẫn chứng thực tế. Nhiều khi đã hoàn thành bài viết rồi mà mình vẫn cảm thấy bài viết chưa thực sự hoàn hảo, vẫn muốn bổ sung chỗ nọ chỗ kia để đem lại nhiều giá trị hữu ích cho người đọc hơn. Đôi lúc, mình cảm thấy mình đơn giản chỉ như đang kể lại một câu chuyện, một trải nghiệm cá nhân chứ chưa rút ra được bài học “vỗ đùi đen đét” nào cả. Suy cho cùng, cũng do đầu vào (thông tin, kiến thức,…) của mình chưa tốt, và mình cần phải cải thiện bằng cách chủ động nạp thêm thông tin, kiến thức,… mới.
2.1. Nghiên cứu chủ đề trước khi viết
Trước một chủ đề, mình hay lên google, các hội nhóm, diễn đàn để tìm hiểu bằng cách tra các từ khóa có liên quan và tìm đọc những bài viết hiển thị trên top đầu. Việc nghiên cứu cho mình kiến thức nền tảng và tìm ra được những khía cạnh mới chưa được ai khai thác.
2.2. Duy trì thói quen đọc, nghe, xem có chọn lọc
Mình đọc sách, truyện, tiểu thuyết, nghe podcast, xem video liên quan đến lĩnh vực mình làm và những lĩnh vực khác mà mình quan tâm. Đây vừa là những nguồn ý tưởng dồi dào, vừa cho mình nhiều thông tin, kiến thức mới mẻ. Đặc biệt là thông qua đọc truyện, tiểu thuyết, mình gia tăng được trí tưởng tượng và cảm xúc. Đây là một trong những cách để tăng chỉ số EQ (Trí thông minh cảm xúc). Chỉ số này đặc biệt quan trọng trong việc đặt mình vào vị trí của người đọc để có thể viết nên những bài viết hấp dẫn họ.
3. Sợ bị người khác đánh giá

Thử tưởng tượng mà xem, đến một ngày, một loạt các bài viết mang tên tuổi của chính bạn, viết trên trang blog cá nhân của riêng bạn, thể hiện kiến thức, câu chuyện, trải nghiệm thực tế của mình bạn, công bố rộng rãi cho toàn bộ thế giới đọc, bạn có cảm thấy áp lực ko? Đối với mình, câu trả lời là “có”, áp lực lắm chứ, mình đã từng cảm thấy lo lắng: Họ thấy mình là một người như thế nào nhỉ? Liệu những cái mà mình chia sẻ ai cũng biết hết rồi không? Bạn bè người thân đọc được thì sao?… Mình rơi vào nỗi sợ bị người khá đánh giá, thậm chí cảm thấy không vui khi đọc được những phản hồi không mấy tích cực. Vậy mình đã vượt qua nỗi sợ này như thế nào, cùng xem tiếp nhé.
3.1. Xác định việc viết trước hết là cho chính mình
Thứ nhất, cần phải xác định một điều, việc viết trước hết là cho chính mình. Nếu mình viết với mong muốn trao giá trị cho người đọc, trên cơ sở kiến thức đã nghiên cứu kỹ lưỡng, câu chuyện, trải nghiệm chân thật thì mình hoàn toàn có thể tự tin và không cần e ngại bất cứ điều gì.
3.2. Hiểu rằng không thể kiểm soát việc mọi người nghĩ gì
Thứ hai, mọi người nghĩ gì là quyền của họ. Hãy cảm ơn tất cả những ý kiến phản hồi nhận được và tiếp thu có chọn lọc. Nếu đó là những phản hồi mang tính đóng góp, mình sẽ tự rút ra bài học cho bản thân. Nếu đó là những phản hồi mang tính công kích, mình sẽ nhẹ nhàng bỏ qua.
4. Gặp các vấn đề về kỹ thuật

Blog Làm mẹ tự do do chính tay mình tạo từ A-Z, từ mua hosting, mua theme đến thiết kế giao diện logo các kiểu. Trong quá trình thiết lập ban đầu, mình đã gặp phải một số sự cố loay hoay mãi không biết làm thế nào nhưng may bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của hosting nhiệt tình giúp nên cuối cùng cũng xử lý được. Tuy nhiên, trong quá trình bắt đầu viết blog sau này, thi thoảng mình lại gặp một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật công nghệ. Có hai hướng giải quyết chính mình hay làm:
4.1. Tự mày mò
Đa số các vấn đề đều có thể tra cứu trên google và youtube. Có rất nhiều bài viết kèm hình ảnh minh họa, video hướng dẫn các thao tác, mình chỉ cần đọc, xem là làm theo được.
4.2. Tìm đến sự giúp đỡ của người khác
Nếu những vấn đề này nằm ngoài khả năng, mình không có đủ thời gian hoặc không muốn tập trung nhiều vào kỹ thuật, mình sẽ tìm người giúp đỡ, ví dụ như bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của hosting (mình dùng Hosting Armada thấy khoản này cực ổn) hoặc những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong các hội nhóm mà mình đang tham gia.
5. Không duy trì được tần suất nội dung ổn định

Khi mới có blog, mình rất hào hứng và đăng tải nhiều bài viết. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, ngọn lửa nhiệt huyết đó nguội dần, mình viết và đăng ít đi. Có lần cả tháng mình không ra được một bài nào. Và tất nhiên, không có nỗ lực không có kết quả, thu nhập của mình cũng đi xuống. Thực tế phũ phàng đó đã khiến mình ngồi xuống và nhìn lại sự thiếu kỷ luật của bản thân cũng như lập kế hoạch rõ ràng hơn cho việc phát triển blog.
5.1. Quyết định tần suất bài đăng blog mong muốn
Đừng coi thường việc này khi mới bắt đầu viết blog, việc thiết lập mục tiêu cực kỳ quan trọng, nếu không có nó thì bạn sẽ giống như “một con tàu lang thang vô định”, có cảm hứng thì viết còn không thì thôi. Hiện giờ tần suất mong muốn của mình là hai bài mới mỗi tuần.
5.2. Xác lập thời gian cố định dành cho việc viết blog
Hồi xưa khi theo học một khoá về content, mình được dạy một kỹ thuật rất hay là kỹ thuật “batching day”, tức là dành riêng 1-2 ngày để sản xuất toàn bộ nội dung cho cả tuần. Tuy nhiên, con mình còn nhỏ lại ở nhà với mẹ nên mình không sắp xếp được nguyên cả ngày như thế, mà mình dành 2-3 tiếng buổi sáng khi con chưa dậy để viết bài, và dành 1-2 tiếng buổi trưa khi con đi ngủ để sửa lại. Đây là khoảng thời gian cố định chỉ dành cho blog nên mình hạn chế tối đa các việc khác xen vào.
5.3. Xây dựng một kho ý tưởng
Điều này sẽ giúp cho bạn bất cứ khi nào ngồi xuống viết cũng sẽ có sẵn những ý tưởng phát triển chứ không rơi vào tình trạng bí ý tưởng và lãng phí thời gian để tìm. Có thể thông qua việc bạn duy trì thói quen đọc sách, truyện, tiểu thuyết, nghe podcast, xem video, cũng có thể thông qua theo dõi KOLs và người có tầm ảnh hưởng nhất định, theo dõi blog, website, kênh hay, tham gia vào các group hoặc diễn đàn, bạn có thể đọc thêm tại bài mình từng viết Mình đã học viết content từ con số 0 như thế nào? để hiểu rõ thêm về những cách này nhé.
6. Lượng truy cập vào blog thấp

Nếu bạn nhìn biểu đồ lượng truy cập vào blog của mình trong những ngày bắt đầu viết blog thì bạn sẽ thấy nó gần như là là mặt đất. Thậm chí có bài chỉ lẻ tẻ vài lượt xem hoặc không có lượt nào luôn. Mặc dù mình đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho mỗi nội dung nhưng lại không có nhiều người biết đến. Thời điểm đó, mình đã từng có cảm giác nản chí và nghi ngờ bản thân: Phải chăng mình viết không tốt? Bài viết chưa mang đủ hữu ích cho người đọc?… Vô vàn những câu hỏi xuất hiện trong đầu khiến mình chùn bước, và rồi mình quyết định không tập trung vào vấn đề mà sẽ tìm ra cho mình giải pháp.
6.1. Cải thiện nội dung
Định kỳ một tháng một lần mình lại nhìn vào thống kê lượt truy cập từ Google Analytics để lọc ra những bài viết nào được xem nhiều nhất, xem chủ đề nào mà độc giả đang quan tâm, từ khóa đang thu hút họ là gì, để triển khai thêm các bài viết liên quan. Mình cũng lọc ra những bài viết có lượng người xem ít nhất, phân tích lý do tại sao, để từ đó cải thiện nội dung.
6.2. Cải thiện SEO
Mình sử dụng công cụ Yoast SEO để tối ưu nội dung bài viết. Mình viết trực tiếp trên blog để có thể đồng thời chỉnh sửa các tiêu chí SEO (như từ khóa nên đặt ở vị trí nào, số lượng chữ ở tiêu đề bài viết là bao nhiêu, nên gắn đường dẫn liên kết như thế nào,…) sao cho chỉ số SEO tốt (màu xanh lá) thì mình mới xuất bản bài viết.
6.3. Truyền thông trên mạng xã hội
Ngoài ra, mình cũng tích cực hơn trong việc chia sẻ bài viết trên mạng xã hội và các hội nhóm có chủ đề phù hợp nhằm lan tỏa blog của mình cho thật nhiều người biết đến. Kết quả, lượng theo dõi lẫn lượt truy cập vào blog của mình càng ngày càng tăng, sau 6 tháng hoạt động, blog thu hút gần 4,5k người xem với hơn 25,5k lượt xem trang.
7. Không có nguồn thu nhập từ blog

Đây có lẽ là vấn đề mà mọi người quan tâm nhất khi bắt đầu viết blog, thu nhập không có hoặc có rất ít. Sau một tháng, mình mới có một khoản thu nhập nho nhỏ là 100 đô. Tuy số tiền này chẳng đủ trang trải cuộc sống nhưng đây là động lực rất lớn để mình tiếp tục viết. Và, sau khoảng 6 tháng, mình đã kiếm được hơn 1000 đô chỉ riêng với việc làm tiếp thị liên kết. Tất nhiên, có những khoảng thời gian mình thức đêm dậy sớm để chăm chút cho kênh blog của mình nhưng kết quả không đến ngay lập tức.
7.1. Tự hỏi mình “Tuy chưa kiếm được nhiều tiền, nhưng mình đang được những gì?”
Tại những thời điểm tiền chưa đến, mình luôn tự hỏi chính mình: “Tuy chưa kiếm được nhiều tiền, nhưng mình đang được những gì?” Câu trả lời là: Mình nhận được sự yêu quý của độc giả, những lời cảm ơn rằng bài viết của mình đã giúp đỡ họ trong việc này việc kia. Mình cũng học hỏi được rất nhiều kiến thức mới trong quá trình viết. Ngoài ra, mình còn phát triển được tính kỷ luật của bản thân trong việc kiên trì làm blog. Và còn nhiều điều nữa, bạn có thể đọc thêm bài 7 lí do mẹ bỉm nên sở hữu ngay blog cá nhân để hiểu rõ thêm về những lợi ích mà mình nhận được kể từ khi có blog nhé.
7.2. Mình có thể kiếm tiền bằng những cách nào?
Đương nhiên, tiền không tự dưng từ trên trời rơi xuống, phải có chiến lược cụ thể để chào đón tiền đến với mình. Mình đã từng viết một bài gợi ý 9 cách kiếm tiền từ viết blog như tiếp thị liên kết, quảng cáo, bán sản phẩm số,… ở bài viết Mẹ bỉm viết blog kiếm tiền, tại sao không? Bạn có thể tham khảo và lựa chọn hình thức kiếm tiền phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân nhé.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn cảm thấy tự tin hơn trên con đường đã chọn. Vấn đề khi bắt đầu viết blog vẫn sẽ luôn tồn tại, quan trọng là nếu bạn vẫn giữ cho mình đam mê và kỷ luật, chắc chắn bạn sẽ tìm ra cách thức để biến vấn đề thành cơ hội học tập và phát triển. Đừng quên like, share nếu bạn thấy bài viết hữu ích nha.
2 comments
Cảm ơn c đã chia sẻ ạ. Em à mẹ bỉm của 2 bạn nhỏ và vẫn ăn bám chồng mà bạn nhỏ thứ 2 nhà em bám mẹ quá. Sáng dậy làm việc chỉ 1 lúc sau là bạn ấy dậy theo liền. E đang nghiên cứu 1 khóa học kiếm tiền online đây ạ.
Em có thể tham khảo khóa học kiếm tiền online mà chị từng học tại đây nha: https://lammetudo.com/khoa-hoc-kinh-doanh-online/