Làm thế nào để “sống sót” khi trẻ tiêm phòng bị sốt?

by Hoang Lan Phuong

Mình còn nhớ lần con đi tiêm mũi phế cầu đầu tiên là vào Tết 2020, bố bé về quê, mình ở nhà ngoại. Mình cho con đi tiêm gần trưa, xong chủ quan nghĩ làm sao mà con sốt được nên chiều còn vác bé đi chơi hiệu sách, tối rủ em gái xem phim, cho đến khi… sờ trán con nóng rực mới tá hỏa. Vội vàng lấy cặp sốt ra, ôi thôi trên 39 độ. Cả đêm đó gần như hai chị em thức trắng không dám ngủ, cho con ti, xong thì lau người cho con hạ bớt nhiệt, thi thoảng lại cặp sốt lại. Con em mình còn lo lắng đến độ cứ chốc chốc lại hỏi “Hay cho Đan đi viện?”. Mà không chỉ mũi đầu đâu nhé, mũi 2, mũi 3 phế cầu con mình đều sốt rất cao như thế, do vậy bỗng dưng mình lại tích lũy được kha khá kinh nghiệm trong việc cần làm gì khi trẻ tiêm phòng bị sốt, xin chia sẻ trong bài viết dưới đây, các bạn cùng đón xem nhé.

1. Sốt chỉ là một phản ứng sau tiêm thường gặp ở trẻ em

Đầu tiên, bố mẹ cần phải hiểu sốt chỉ là một phản ứng sau tiêm thường gặp ở trẻ em, chứ không có gì đáng lo ngại. Ngoài sốt ra, trẻ còn có thể có các phản ứng phụ không mong muốn khác, ví dụ như: Phản ứng tại vị trí tiêm; Lười bú, biếng ăn; Nôn mửa hoặc tiêu chảy; Phát ban đỏ hoặc nổi mụn nước trên da,…

Vacxin chứa các thành phần của vi trùng nên khi được tiêm vào cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch. Nếu đủ mạnh sẽ gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như sốt. Sốt chứng tỏ hệ thống miễn dịch của trẻ đang đáp ứng với vacxin, kết quả là tạo ra khả năng miễn dịch chống lại virus hoặc vi khuẩn mà vacxin nhắm đến. Cụ thể:

  • Đầu tiên, nhiệt độ tăng lên, khiến cho cơ thể chủ động ngăn sự tấn công từ vi trùng hơn và hạn chế khả năng sinh sản của vi trùng trong cơ thể con
  • Thứ hai, nhiệt độ cao hơn cũng kích hoạt một số hóa chất truyền tín hiệu hướng dẫn các phản ứng miễn dịch xảy ra

Điều quan trọng là cần theo dõi tình trạng của con cũng như biết được cách chăm sóc cho con khi tiêm vacxin bị sốt.

2. Những điều cần làm khi trẻ tiêm phòng bị sốt

2.1. Cho con ti mẹ liên tục hoặc uống đủ nước

Mẹ phải ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, nhất là các loại quả nào có chứa nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng. Đối với bé nhỏ, mẹ cho con bú theo nhu cầu, như em bé nhà mình thì sau tiêm về mình cho bú liên tục. Đối với bé lớn hơn, đã có thể uống nước, mẹ bổ sung thêm cho con nước ép hoa quả như nước củ đậu, nước táo,… nhé.

2.2. Lau người bằng nước ấm

Mình chuẩn bị một chậu nước nóng và nhiều khăn, một người nhúng khăn vào nước, vắt kiệt, một người lau những vị trí nếp gấp như cổ, nách, bẹn (mạch máu ngoại vi đi qua) để lấy bớt nhiệt cơ thể của con ra. Bạn nhớ là nước nóng nhé, yên tâm là đến lúc khăn đến người con bạn thì sẽ thành khăn ấm, còn nếu nước ấm thì đến người sẽ thành mát, khiến cho con dễ bị lạnh.

2.3. Đi tiêm buổi sáng càng sớm càng tốt

Ví dụ trung tâm tiêm phòng mở cửa lúc 7h sáng thì 7h30 bạn đưa con đến tiêm luôn, để nếu con có tiêm vacxin bị sốt thì sẽ rơi vào khoảng chiều để bạn dễ theo dõi. Lần đầu mình không biết, như mình kể ở trên, đưa con đến tiêm vào buổi trưa, kết quả là tối con mới sốt, phải thức đêm trông con đến là khổ.

2.4. Mặc quần áo thoáng mát

Quần áo thoáng mát nhưng bạn vẫn luôn phải đảm bảo con không bị lạnh nhé. Nếu nhà có bodysuit hở nách chất liệu mát thì bạn mặc cho bé là tốt nhất, vừa giữ ấm được ngực lại vừa thoáng nách và bẹn. Nếu nhiệt độ lên cao bạn có thể để con không mặc gì và đắp khăn xô lên ngực, trải chiếu cho con nằm cho mát, bật điều hòa 27-28 độ tắt gió.

2.5. Áp dụng một số phương pháp dân gian

Như uống nước lá tía tô, sắn dây hay đỗ đen. Mình thì hay sử dụng thuốc Thanh lương thảo thành phần chính từ lá tía tô, có hai dạng: siro cho con dễ uống và viên nhộng dễ dàng mang đi, các bạn có thể tham khảo thêm. Ngoài ra, mình còn xông thêm tinh dầu trong phòng nữa, vừa làm sạch không khí lại vừa diệt virus. Mình dùng Tinh dầu Cửa sổ vàng, được tổng hợp từ nhiều loại tinh dầu nguyên chất khác nhau đem lại hiệu quả cao hơn.

2.6. Mua sẵn thuốc hạ sốt (dạng gói và viên đạn)

Đối với mình, nếu con sốt hơn 39 độ thì mình mới cân nhắc đến việc hạ sốt. Nguyên nhân không nên hạ sốt sớm là để cơ thể bé có cơ hội tạo ra kháng thể. Con trên 6 kg mới có thể dùng. Dạng gói thì mọi người có thể pha vào 1 ít chất lỏng như nước, sữa,… Còn dạng viên đạn thì dùng trong lúc con đang ngủ hoặc không hợp tác uống thuốc dạng gói.

2.7. Mẹ bình an con mạnh khỏe

Cái này là khó nhất này. Lòng tự nhủ “Mình phải thật bình tĩnh”, nhưng khi thấy bé sốt cao nhiều khi mình bị cuống. Tâm mẹ phải luôn bình an, động viên con (và cũng là động viên chính mình), ví dụ như này “Cố lên, con là cô gái mạnh mẽ, con sắp khỏe rồi, mai chúng mình lại chơi với nhau nhé”. Và tất nhiên là các bạn cũng phải tin vào điều đó nhé, luôn yêu thương mỉm cười trìu mến với con. Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi!

3. Khi nào thì mới cần đưa con đến bệnh viện?

khi-nao-can-den-benh-vien

Cần đưa con tới ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có các dấu hiệu sau: Sốt cao kéo dài và không hạ sau khi uống thuốc hạ sốt (uống thuốc 1 giờ không hạ); Co giật hay mệt lả, gọi, hỏi không phản ứng; Tím tái, khó thở; Quấy khóc, khóc thét kéo dài trên 3 giờ; Phát ban cùng các phản ứng thông thường kéo dài hơn 1 ngày; Áp xe, sưng đau nhiều tại vị trí tiêm. Nếu phản ứng của con ở mức độ vừa, nặng sau tiêm vắc xin thì sẽ được cho nhập viện theo dõi sát và điều trị tích cực.

Hy vọng những điều mình chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn đỡ bối rối khi trẻ tiêm phòng bị sốt. Đừng quên like, share nếu thấy bài viết hữu ích nha.

Xem thêm: REVIEW KHÓA HỌC CỬA SỔ VÀNG CHUYÊN SÂU – KHÓA HỌC ĐÃ LÀM THAY ĐỔI HOÀN TOÀN CUỘC SỐNG LÀM MẸ CỦA MÌNH

You may also like

Leave a Comment