tour-ha-giang

Đưa con đi trốn khỏi thành phố với tour Hà Giang 4N3Đ

July 04, 202221 min read

Dưới cái nóng gần 40 độ xê ở Hà Nội thì chả biết làm gì ngoài việc thèm lên núi cao không khí trong lành mát mẻ. Và thế là 3 con người chúng mình, 2 lớn 1 bé, lại rủ nhau đi trốn ở cao nguyên đá Hà Giang. Lần này mình chọn đi tour Hà Giang 4 ngày 3 đêm chứ không tự túc vì những lý do sau:

  • Hà Giang nổi tiếng với những cung đường đèo khó đi "bậc nhất" Việt Nam. Nên với lần đầu tiên đến chưa thạo đường còn mang theo con nhỏ, mình quyết định chọn đi tour để tích lũy kinh nghiệm hòng sau này còn làm chuyến tự túc

  • Đi tour thích ở chỗ là có người lo hết cho từ A đến Z nên việc của mình chỉ là cảm nhận vẻ đẹp của vùng đất cao nguyên đá này mà thôi

  • Tour ghép nên không phải đi 3 mình đâu mà đi hơn chục mình, vui lắm. Đoàn mình có hẳn 10 người thêm hướng dẫn viên, lái xe, phụ xe từ đủ 3 miền Bắc Trung Nam, lại còn hợp nhau, nên đi tour mà như đi cùng cạ cứng vậy đó

  • Đoàn đông người nên cũng tha hồ thử nhiều món đặc sản chứ đi một mình chắc chỉ gọi được 2-3 món thôi à

  • Thời gian ngắn tuy chỉ 4n3đ nhưng đi được đủ hết các điểm nổi bật

  • Có hướng dẫn viên nên đi đâu tụi mình cũng được nghe khối chuyện hay ho về văn hóa, truyền thống, lịch sử nơi đây

Cùng đón xem hành trình đi tour Hà Giang 4 ngày 3 đêm của chúng mình ở nơi có những cung đường đèo đẹp đến nín thở cùng rất nhiều điểm check-in cực kì độc đáo này nhé. Gét gô!!!

Những ký ức khó quên ở cao nguyên đá Hà Giang

  • Tan chảy khi nhìn thấy những con giống sặc sỡ từ vải thổ cẩm ở sạp hàng trước Đền Thác Cái

  • Choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên Hà Giang tại nơi tiếp giáp đất và trời - Cổng trời Quản Bạ

  • Trái tim rung rinh khi nhìn thấy nụ cười, bay theo tiếng khèn tiếng sáo của các em bé dân tộc trên Dốc Thẩm Ngựa.

  • Yên bình đến lạ ở thung lũng Sủng Là, nơi bao quanh bởi những cánh đồng ngô xanh mướt, khi vuốt ve những chú mèo lim dim nằm sưởi nắng ở Nhà của Pao

  • Trầm trồ trước những câu chuyện ở Dinh nhà Vương - Dinh Vua Mèo

  • Phê như con tê tê khi đứng hóng mát nơi địa đầu điểm cực Bắc - Cột cờ Lũng Cú, thấp thoáng còn thấy Tung Của xa xa

  • Cảm phục khi nghe chuyện của những thanh niên xung phong đã mở con đường hạnh phúc, của biệt đội cảm tử đã làm nên một trong tứ đại đỉnh đèo Mã Pí Lèng

  • Thót tim khi ôm eo các tay đua công thức F1 chất nhất sông Nho Quế phi xe máy 8km từ đỉnh, và ngược lại

  • Ngẩn ngơ ngắm nhìn cánh bướm mong manh bay giữa hẻm vực Tu Sản trên dòng sông Nho Quế màu lục bình, thấy thiên nhiên sao mà vừa hùng vĩ vừa thơ mộng đến thế

  • Và cuối cùng, không thể thiếu, đó là nghĩ đến lại thèm rỏ dãi những đặc sản nơi đây: thịt trâu rừng, thịt gà rừng, lẩu gà đen, lợn cắp nách, rau măng, gỏi dê,…

con-giong-tho-cam

Những con giống sặc sỡ từ vải thổ cẩm ở sạp hàng trước Đền Thác Cái

Trải nghiệm đi tour Hà Giang 4 ngày 3 đêm cho gia đình có con nhỏ

Ngày 1: Đền Thác Cái ➡️ Cafe Núi Cấm ➡️ Khách sạn Yên Biên

Đền Thác Cái

6h30 cả đoàn bắt đầu xuất phát từ Hà Nội. Xe chạy chầm chậm, HDV thao thao bất tuyệt về hành trình 4n3đ sắp tới, toàn người chưa đi bao giờ nên ai cũng háo hức lắng nghe lắm. Đến Tuyên Quang thì chúng mình dừng chân ăn trưa tại nhà hàng Ba chữ lồng (18 Ngô Gia Khảm).

Chỗ này sạch sẽ mát mẻ, phục vụ thân thiện, đồ ăn ngon vừa miệng, đặc biệt thịt gà đồi ở đây rất ngọt và mềm. Con mình siêu thích gà nên chén sạch một miếng cơm với mấy miếng thịt gà.

Sau khi ăn xong nghỉ ngơi một lúc thì cả đoàn lên xe đến Đền Thác Cái (vẫn ở Tuyên Quang nha). Tuy căng da bụng, chùng da mắt nhưng ai cũng không dám ngủ để nghe chuyện về ngôi đền này.

den-thac-cai

Đền Thác Cái thờ Bà chúa thượng ngàn, bắt nguồn từ tục thờ Mẫu của nhân dân Lạc Việt

Đây là ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ XV, thờ Bà chúa Thượng ngàn, bắt nguồn từ tục thờ Mẫu của nhân dân Lạc Việt có từ xa xưa trong lịch sử. Cả đoàn sẽ ghé vào đây để cầu bình an may mắn cho cả hành trình.

Sau lưng đền là đồi núi, mặt trước hướng về phía sông Lô nên không khí rất trong lành mát mẻ. Tuy nhiên trong đền có khá nhiều côn trùng nhỏ bay (mình không biết là con gì) nên bố mẹ lưu ý cho con mặc áo dài tay hoặc xịt thuốc chống côn trùng cho con nhé.

Trước đền có các sạp bán đủ thứ từ đồ ăn nước uống, đặc sản đến quà lưu niệm sặc sỡ sắc màu, chống chỉ định cho gia đình có con nhỏ vì sa chân vào đây là các bé quên lối về luôn.

Cafe Núi Cấm

Tiếp đó chúng mình lại di chuyển tiếp đến cafe Núi Cấm. Đồ uống ở đây rất ngon giá lại hạt dẻ. Một cốc trà sữa trân châu đường đen kem trứng có 45k mà to đùng, ngon cực kỳ. View toàn cảnh thành phố Hà Giang và sông Lô.

cafe-nui-cam

Cafe Núi Cấm khu cao nhất, nóc sàn xe buýt

Trên núi nên rất thoáng đãng. Có hẳn 4 khu: ngồi trong nhà, ngoài trời, mô hình xe buýt và nóc sàn xe buýt (cao hẳn). Túm lại, rất nhiều góc đẹp cho bố mẹ chụp ảnh, và rất nhiều không gian cho bé nhỏ chạy chơi.

Khách sạn Yên Biên

Uống nước xong cả đoàn lên xe đi tiếp đến Hà Giang. Trên đường đi lại được nghe HDV kể những câu chuyện hấp dẫn về dân tộc H'mông (dân tộc đông nhất ở Hà Giang, hẳn 1/3 dân số toàn tỉnh):

  • Về nguồn gốc tên gọi bởi trang phục đen đỏ

  • Về truyền thống "không bao giờ tắt bếp" của họ

  • Về đàn ông Mông được thoải mái say sưa uống rượu được vợ nuôi thế nào

  • Về hủ tục bắt vợ nơi đây,...

Đoàn nghỉ tại khách sạn Yên Biên, 1 trong 2 khách sạn lớn nhất ở Hà Giang. Ngay gần đó có Km số 0 Hà Giang và Quảng trường thành phố. Phòng rộng rãi, decor khá đẹp, view sông, rừng, núi, tóm lại đúng tiêu chuẩn của một khách sạn 4 sao.

khach-san-yen-bien

View nhìn từ phòng khách sạn Yên Biên thấy rõ sông, rừng, núi

Tắm rửa xong thì tụi mình xuống sảnh cũng nhau lên xe đi ăn tối ở nhà hàng Cơm dân tộc (18A Nguyễn Văn Linh). Đồ ăn ở đây khá ngon, mình thích nhất món lợn nướng riềng mẻ và món cá suối rán. Sau đó về khách sạn nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày thứ 2 lịch trình kín mít điểm du lịch.

Ngày 2: Cổng trời Quản Bạ ➡️ Dốc Thẩm Mã, Phố Cáo ➡️ Thung lũng Sủng Là, Làng văn hóa Lũng Cẩm ➡️ Dinh nhà Vương ➡️ Cột cờ Lũng Cú ➡️ Phố cổ Đồng Văn

Cổng trời Quản Bạ

Khách sạn Yên Biên có phục vụ ăn sáng buffet. Đồ ăn ổn tuy không đa dạng lắm, có món bún hải sản khá dễ ăn. Xong thì đoàn lên xe di chuyển từ Thành phố Hà Giang đến Thị trấn Đồng Văn. Hai điểm này cách nhau 130km, đi mất khoảng 4-5 tiếng nhưng trên đường đi có rất nhiều điểm tham quan phải dừng chân để check-in nên thời gian kéo dài hơn gấp đôi.

Xe đổ đèo qua Dốc Bắc Sum (đây là con dốc lớn và ngoằn ngoèo nhất Hà Giang) để đến điểm tham quan đầu tiên, Cổng trời Quảng Bạ, là nơi tiếp giáp giữa trời và đất. Trên xe chúng mình lại tiếp tục được nghe các câu chuyện về dân tộc Tày (đứng thứ 2 về dân số ở Hà Giang) và Ráy, về câu chuyện "Trai Tày Gái Ráy" dẫn đến sự ra đời của chợ tình Khâu Vai 27/3 hàng năm. Ngoài ra còn được nghe:

  • Cách chế biến món thắng cố: dùng mỡ ngựa rán nội tạng ngựa, cho mắc khén hạt dồi vào rồi đổ nước, dân bản địa còn dùng pịa (phân non) cho vào cùng, nghe xong hết muốn ăn thử luôn

  • Cách làm thịt trâu gác bếp: thịt trâu tươi ướp các loại gia vị thêm mắc khén hạt dồi, gác lên bếp hong khô, phần thịt ở trong sẽ đỏ mềm ngọt, chấm cùng chẩm chéo là đúng điệu nhất, món này ngược lại với món phía trên, nghe xong thèm rỏ cả dãi

Đến Quản Bạ thì tụi mình thuê xe điện chở lên, leo tiếp khoảng mấy chục bậc thang nữa là đến Cổng trời. Bậc khá thấp và có vị chắn an toàn nên các bé nhỏ có thể tự leo lên. Trên đó các bạn sẽ ngắm được toàn cảnh thị trấn Tam Sơn và danh thắng Núi đôi cô tiên.

cong-troi-quan-ba

Cổng trời Quản Bạ, view toàn cảnh thị trấn Tam Sơn và danh thắng Núi đôi Cô tiên

Cái núi đôi này 2 quả căng tròn, nhúm lên, người ta bảo đàn ông thì thích đàn bà thì thèm (gọi là như vậy vì có sự tích cô tiên bay lên trời để lại bầu sữa cho con). Lên trên này cao và khá nguy hiểm nên các bố mẹ nhớ chú ý bé nhỏ nha.

Tham quan xong, đoàn quay trở lại xe để đi tiếp đến thị trấn Yên Minh. Xe đi qua dốc Cán Tỉ, cây Nghiến cô đơn (độc có một mình cây đứng đó trơ trọi nên gọi là cây cô đơn) đến nhà hàng Phương Đông ở khách sạn Phương Đông để ăn trưa. Trừ món gà đồi ngon ra thì mình thấy các món khác không ngon lắm.

Dốc Thẩm Mã, Phố Cáo

Ăn no rượu say, nghỉ ngơi chán chê chúng mình lại lên xe tiếp tục hành trình. Xe dừng lại ở dốc Thẩm Mã (dốc 9 khoanh), hay còn gọi là dốc thẩm định ngựa để mọi người xuống chụp ảnh. Dốc này nằm ở cửa ngõ của huyện Đồng Văn. Ngày xưa người ta đi thẩm định ngựa bằng cách cho nó leo lên dốc này, con khỏe giữ lại, con yếu thì thành thắng cố hết.

doc-tham-ma

Chụp cùng các em bé dân tộc ở Dốc Thẩm Mã

Ở đây có rất nhiều em bé dân tộc, bé gái lưng đeo gùi hoa tay cầm vòng hoa, bé trai thổi khèn thổi sáo rất đáng yêu. Lưu ý nếu bạn muốn cho tiền các bé thì cho bé nào dứt điểm bé đó, không cho chung nhé. Lúc này là con minh đang ngủ tuy nhiên mình vẫn bế bé xuống xe để xin vài kiểu ảnh với các em bé vùng cao.

Trên đường tụi mình còn đi qua Phố Cáo, nghe kể vào mùa xuân đào nở rộ 2 bên đường rất đẹp, còn mùa này thì không. Gọi là Phố Cáo vì ở đây người ta xây bờ rào đá mắt cáo.

Thung lũng Sủng Là, Làng văn hóa Lũng Cẩm

Tiếp đó là đến thung lũng Sủng Là. Thời xưa từng là thung lũng trồng thuốc phiện, còn thời nay người dân ở đây trồng lúa, ngô, hoa tam giác mạch, các loại hoa, cây ăn trái, và các loại rau cung cấp cho cuộc sống hàng ngày. Đây cũng từng là phim trường của bộ phim Chuyện của PAO nổi tiếng.

chuyen-cua-pao

Ngôi nhà quay phim "Chuyện của PAO" ở Làng văn hóa Lũng Cẩm

Cả đoàn vào Làng văn hóa Lũng Cẩm. Dọc 2 bên đường là những hàng ngô xanh mướt, các sạp hàng bày bán đủ đặc sản, có món bánh tam giác mạch mình thấy khá ngon, các bạn có thể thử. Ở đây có 3 dân tộc sinh sống là Lô Lô, Mông và Hán.

Tụi mình vào ngôi nhà quay phim Chuyện của PAO, cảm nhận rõ nét nếp sinh hoạt, văn hóa, con người ở nơi đây. Chỗ này cũng cực kỳ phù hợp với các bé nhỏ, có rất nhiều điều để con có thể thoải mái khám phá, như con mình say mê vuốt ve những chú mèo đang lim dim nằm sưởi nắng hay chạy chơi trên con đường đá giữa những hàng ngô.

Dinh nhà Vương

Điểm đến tiếp theo là Dinh nhà Vương (Dinh Vua Mèo), rộng 3000m2 xây trong 9 năm, là nơi ở của vua á phiện - ông Vương Chính Đức, cai quản 4 huyện của Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.

Giá trị của khu dinh thự này đến nay vẫn không ước tính được. Chỉ riêng tiền thuê nhân công là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 10 cột trụ quý, mỗi cột trị giá 900 đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 900 triệu đồng.

dinh-nha-vuong

Dinh nhà Vương, căn nhà có giá trị 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương (150 tỷ đồng ngày nay)

Cả đoàn được nghe kể về địa thế, kiến trúc của khu dinh thự, tham quan qua 3 dinh:

  • Tiền dinh là nơi lính canh ở và nơi xử phạt

  • Trung dinh là nơi sinh hoạt của cả nhà và điện thờ

  • Còn hậu dinh là nhà bếp và nơi tiếp khách quý. Ngoài ra còn có 2 lô cốt chứa thuốc súng và thuốc phiện, có lính canh 24/24.

Một điểm đặc biệt nữa là hình quả thuốc phiện có mặt ở khắp mọi nơi trong khu dinh thị, bởi đây là biểu tượng cho sự phú quý, hưng thịnh của nơi đây (chuyện, nhà của vua á phiện mà lị).

Ngoài ra tụi mình còn được kể thêm chuyện gia đình của Vua Mèo:

  • Phân chia công việc cho từng người vợ như thế nào: bà cả tổng quản, bà hai cai quản tiền, bà ba cai quản thuốc phiện (nghe là biết bà nào được sủng ái nhất rồi ha

  • Rồi các đời con của ông

Càng nghe càng muốn khám phá nữa, khám phá mãi mà cuối cùng vẫn đến lúc phải tạm biệt để đi tiếp đến điểm tham quan cuối của ngày thứ 2, cột cờ Lũng Cú.

Tiền dinh là nơi lính canh ở và nơi xử phạt, trung dinh là nơi sinh hoạt của cả nhà và điện thờ, còn hậu dinh là nhà bếp và nơi tiếp khách quý. Ngoài ra còn có 2 lô cốt chứa thuốc súng và thuốc phiện, có lính canh 24/24.

Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1470m, là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam, cũng là công trình đánh dấu chủ quyền của nước ta. Đến nơi thì cả đoàn đi xe điện lên, leo thêm khoảng 200 bậc đá nữa. Lúc này là con mình ngủ rồi nè, nên là mình vừa bế vừa leo lên. Nếu bé còn thức, nhất đính sẽ đòi tự leo chứ không cần mẹ bế.

cot-co-lung-cu

Cột cờ Lũng Cú nhìn từ dưới lên

Ngày trước thì cột được làm bằng cây sa mộc, sau nhiều lần trùng tu, xây dựng lại thì giờ cột được dựng với độ cao khoảng 20m với chân và bệ hình lục lăng, có 6 phù điêu họa tiết mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là lá cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em.

Trên đỉnh cột cờ nhìn xuống bạn sẽ thấy cảnh núi non trùng điệp xen kẽ bởi các khoảng ruộng bậc thang thơ mộng. Phóng tầm mắt ra xa thấy đường quanh co trắng mờ, chính là nước bạn, Trung Quốc.

Chụp ảnh chán chê, chúng mình đi xuống để lên xe đi về.

Phố cổ Đồng Văn

Đoàn dừng chân ăn tối ở nhà hàng Bảo Ngân nằm ở con đường đối diện Phố cổ Đồng Văn. Lẩu gà đen ở đây rất ngon, thịt ngọt, nước lẩu đậm đà, rau ăn kèm tươi giòn. Ăn xong tụi mình đi bộ về khách sạn ngay gần đó nhận phòng, sau đấy ra Phố Cổ Đồng Văn chơi.

pho-co-dong-van

Phố cổ Đồng Văn

Khu phố cổ này nay chỉ còn vỏn vẹn 40 nếp nhà xếp sát nhau dưới các vách núi đá nên khá ngắn. Nhạc nhẽo xập xình, hàng quán bày la liệt nào đặc sản, nào quà lưu niệm trông rất sặc sỡ. Đi dạo chán chê, mua được một con hươu cao cổ với móc khóa làm từ vải thổ cẩm, uống no một bụng trà sữa, tụi mình trờ về khách sạn nghỉ ngơi.

Ngày 3: Sông Nho Quế, Hẻm Tu Sản ➡️ Mã Pí Lèng Panorama Cafe ➡️ Quảng trường 26/3

Sông Nho Quế, Hẻm Tu Sản

Sáng cả đoàn vẫn ăn ở nhà hàng Bảo Ngân, phở bò gà, sau đó lên xe bắt đầu hành trình khám phá Hà Giang ngày thứ 3. Theo lịch trình ban đầu, tụi mình sẽ đi đèo Mã Pí Lèng trước rồi mới đi sông Nho Quế và hẻm Tu Sản, nhưng HDV đảo ngược thứ tự lại vì dự đoán tất cả các đoàn sẽ theo lịch trình như vậy nên sẽ rất đông (thực tế chứng minh HDV đã đúng).

Từ thị trấn Đồng Văn xe đi đèo Mã Pí Lèng đến lối xuống bến thuyền Tà Làng sông Nho Quế. Sau đó thuê xe máy chở xuống bến thuyền, cảm giác mạnh bao phê luôn, không dành cho người yếu tim. Đến nơi vẫn phải leo xuống 1 đoạn, vì vậy bạn nên đi giày dép bám đất.

Đoạn xuống khó hơn nên mình bế con. Còn đoạn lên mình để bé tự leo, mình đỡ ở dưới. Các chị dân tộc còn vây quanh em bé để hỗ trợ leo lên mà em bé cứ "Hông, Đan tự đi, các chị cứ leo đi". Đến bến rồi thì lên thuyền và thưởng ngoạn thôi.

ben-ta-lang

Em bé 2 tuổi rưỡi tự leo từ bến thuyền Tà Làng sông Nho Quế lên

Một chút kiến thức địa lý cho bạn nào chưa biết:

  • Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam từ địa phận thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn đi qua Hẻm núi Tu Sản rồi chảy dọc đèo Mã Pì Lèng. Nó chảy đến Mèo Vạc thì chảy tiếp theo hướng Đông vào địa phận Cao Bằng rồi đổ vào Sông Gâm.

  • Hẻm vực Tu Sản được coi là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á và nằm trong thung lũng có kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam, nằm giữa Đồng Văn và Mèo Vạc với độ cao 1500m, sâu 700-900m, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Ai đi Hà Giang cũng muốn 1 lần đi thuyền trên sông Nho Quế qua hẻm vực Tu Sản. Cảnh quan vừa thơ mộng lại vừa hùng vĩ, cực kỳ mãn nhãn luôn.

song-nho-que

Đi thuyền trên sông Nho Quế qua hẻm vực Tu Sản nổi tiếng

Đèo Mã Pí Lèng

Tiếp đó mọi người lên xe để quay lại chặng đường cũ, đến quán cafe tai tiếng Panorama Cafe (tại sao thì bạn tự google nha) để ngắm toàn cảnh sông Nho Quê, hẻm Tu Sản và đèo Mã Pí Lèng từ trên cao. Chúng mình tiếp tục được nghe những câu chuyện xung quanh các địa danh này.

Đèo Mã Pí Lèng, hay còn gọi là Mã Pỉ Lèng, có nghĩa là "sống mũi ngựa", thuộc tỉnh Hà Giang, nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Được mệnh danh là đệ nhất hùng quan của Việt Nam - một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc. Cái cảm giác vừa ngồi trên xe đi qua những đoạn đường đèo vừa nghe bài hát "Hà Giang ơi sao mà yêu thế " hay bài "Nhà em trên lưng đồi" cứ phải gọi là cực kỳ chill.

Mình ấn tượng nhất với câu chuyện về “Con đường hạnh phúc”. Hà Giang trước 1945 hoàn toàn cách biệt, đời sống người dân ở đây rất khó khăn. Con đường này được mở để kết nối Hà Giang với "thế giới bên ngoài". Hơn 1000 thanh niên xung phong, cùng hơn 1200 đồng bào xả thân và sức lực dùng các công cụ thô sơ mở từng centimet đường núi, đối mặt với 3 nỗi sợ "Dốc Bắc Sum – Hùm Cán Tỷ – Phỉ Đồng Văn".

Riêng đoạn đèo qua Mã Pì Lèng ròng rã mất 11 tháng mới làm xong bởi 17 thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi, thậm chí họ còn đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc. Vừa nghe vừa cảm phục trước tinh thần gan dạ của những chiến sĩ.

deo-ma-pi-leng

View toàn cảnh sông Nho Quế, hẻm Tu Sản và đèo Mã Pí Lèng từ quán cafe tai tiếng Panorama Cafe

Đến quán cafe thì đoàn mua vé vào, 30k cho 1 vé tham quan , 60k có kèm 1 đồ uống trong quán. Nhìn chung view đẹp hết nước chấm, lưu ý có cái thang, bạn đứng lên đó để chụp được toàn cảnh nhé. Đồ uống ngon, nhạc hay, tuy nhiên nhà vệ sinh ở đây rất bẩn.

Dắt túi cả một kho ảnh đẹp, chúng mình lên xe đi về Hà Giang.

Quảng trường 26/3

Trên đường về, đoàn lại dừng chân tại nhà hàng Phương Đông ở khách sạn Phương Đông để ăn trưa, sau đó tiếp tục di chuyển tới khách sạn Yên Biên để nghỉ tối.

Ăn tối tại nhà hàng Cơm dân tộc, sau đó ra quảng trường 26/3 chơi. Cá nhân mình không thích quảng trường này lắm, vì nó ồn ĩ xô bồ, lại lắm xe điện trẻ con chạy khắp nơi hơi nguy hiểm.

quang-truong-26-3

Quảng trường 26/3 tại thành phố Hà Giang

Ngày 4: Cột mốc Km0 tại Tp. Hà Giang ➡️ Cao điểm 468 Vị Xuyên

Cột mốc Km0 tại Tp. Hà Giang

Trả phòng, ăn sáng tại khách sạn xong, đoàn lên xe ra check-in tại cột mốc Km số 0 Hà Giang ngay gần khách sạn. Ở Hà Giang có rất nhiều cột mốc Km số 0 tuy nhiên chỉ có duy nhất cột mốc này là nằm ngay tại thành phố Hà Giang nên rất dễ đi.

cot-moc-km0-ha-giang

Cột mốc Km số 0 duy nhất tại thành phố Hà Giang

Cao điểm 468 Vị Xuyên

Trên đường xe dừng cho đoàn tham quan cao điểm 468 Vị Xuyên, thuộc thôn Nâm Ngặt xã Thanh Thủy, xuyên qua các con đường dốc chạy quanh vùng núi Đông Bắc cạnh cửa khẩu Thanh Thủy.

Nơi đây là vị trí chiến lược quân sự, trở thành trận tuyến nóng bỏng ác liệt kéo dài duy nhất trên toàn tuyến biên giới phía bắc để bảo vệ bình yên cho lãnh thổ hình chữ S. Đoàn còn đi qua thắp hương tại nghĩa trang của các chiến sĩ đã hy sinh cho trọn nghĩa tình.

cao-diem-468-vi-xuyen

Dừng chân nghỉ tại Trạm dừng Pao 78 mua sắm đặc sản miền núi Trà Shan Tuyết, mật ong Bạc Hà, trâu khô gác bếp, nấm hương, măng khô,

Tiếp tục hành trình về lại HN, dừng dùng cơm trưa tại nhà hàng Ba chữ Lồng ở Tuyên Quang.

Một số lưu ý khi đưa con đi tour Hà Giang 4 ngày 3 đêm

  • Quần dài áo cộc là outfit ok nhất, tránh váy vóc, mũ vành rộng

  • Giày dép thoải mái bám đất, màu tối, dễ khô (lưới, thoáng khí), bạn có thể tham khảo hãng Decathlon nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả hợp lý

  • Thời gian di chuyển trên xe khách khá lâu nên hãy mang đồ chơi, sách truyện cho con đỡ chán

  • Mang tinh dầu, ô mai mặn phòng say xe

  • Đồ ăn vặt, nước uống trên xe

  • Thuốc thang, mang dầu xoa bóp, tấm dán nóng các loại vì đi xe lâu đau mỏi người

  • Nếu tự đi bằng xe máy thì mang thêm kính râm, chống nắng, găng tay, mũ BH 3/4

Trên đây là toàn bộ những chia sẻ của mình về tour Hà Giang 4 ngày 3 đêm. Cảm ơn rất nhiều những người bạn đã tạo nên hành trình này! Hy vọng sẽ giúp bạn phần nào trong việc lên kế hoạch cho chuyến du lịch sắp tới. Đừng quên like, share nếu bạn thấy bài viết hữu ích nha.

Back to Blog