10 cách đảm bảo sẽ giúp con bạn xây dựng được thói quen đọc sách
Nhiều bạn muốn tham khảo hành trình giúp con xây dựng thói quen đọc sách, mình xin tổng hợp những kinh nghiệm, tuy còn ít ỏi của bản thân, nhưng hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn đang cần nhé.
1. Dạy trẻ cách cầm một cuốn sách
Con mình hồi bé rất hay chỉ cầm một trong hai bìa sách và để các trang rơi xuống phía dưới. Không biết bao nhiêu cuốn sách bìa bị rời ra và phải gia cố lại bằng băng dính.
Mỗi lần vậy, mình đều giải thích cho bé: "Con cầm thế bạn sách sẽ bị rách và đau đấy, mình nâng niu bạn bằng cả hai tay nhé." Vừa nói mình vừa làm mẫu cầm cuốn sách đang mở bằng cả hai tay luôn.
Việc cầm một cuốn sách đúng cách sẽ khiến trẻ cảm thấy trân trọng sách hơn, coi sách là người bạn thân và thêm yêu thích việc đọc sách.
2. Hướng dẫn trẻ cách lật trang sách
Tương tụ như cầm sách, việc biết lật trang sách cũng quan trọng, nó giúp trẻ có thể tận hưởng việc đọc sách một mình mà không cần người lớn bên cạnh giở hộ.
Mình hay để con ngồi thoải mái trên ghế, sau đó ngồi xuống bên phải trẻ và bắt đầu hướng dẫn con cách lật một trang sách: "Con nhìn mẹ lật trang sách rồi con tự làm nhé!".
Đầu tiên, mình sử dụng ngón cái và ngón trỏ để nâng nhẹ nhàng góc trên hoặc góc dưới của trang sách bên phải. Sau đó, trượt cả bàn tay dọc theo mép dưới trang sách để lật trang từ phải sang trái.
Một số lưu ý:
Cần luyện tập trước khi hướng dẫn
Làm chậm từng động tác một
Không nói trong khi hướng dẫn để giúp con tập trung vào hoạt động
Sau khi hướng dẫn xong, mình sẽ hỏi xem con có muốn tự thực hành lật trang sách không. Nếu con trả lời có mình sẽ để quyển sách đã mở sẵn trên đầu gối hoặc trên bàn. Sách thì mình chọn sách in bằng giấy thông thường vì bìa cứng thì quá dày nên khó có thể thực hiện chính xác.
3. Cùng con xếp sách lên giá
Đối với các bạn bé, sách cũng như đồ chơi vậy. Con mình rất thích lôi hết sách trên giá xuống ngắm nghía từng quyển rồi xếp thành từng chồng. Mỗi dịp như vậy mình lại hướng dẫn con sắp xếp các cuốn sách lên giá:
Chỉ cho con cách xếp quyển này ở cạnh quyển kia như thế nào
Giữ sách bằng tay trái trước khi đẩy chúng vào cạnh các cuốn khác để tránh việc ấn sách vào giá
Mình làm thật chậm, cẩn thận và lặp đi lặp lại nhiều lần cho con học theo.
Việc luyện tập thường xuyên nên đến thời điểm hiện tại, con mình, một em bé 32 tháng tuổi đã biết chiều cầm cuốn sách, cách lật trang sách và xếp sách lên giá.
4. Cùng con đọc to sách vào một thời điểm nhất định trong ngày
Việc đọc sách hàng ngày và vào một thời điểm nhất định rất quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ.
Buổi sáng sau khi con ăn sáng xong và buổi tối trước khi đi ngủ là hai mẹ con lại cùng nhau đọc sách. Việc này được mình duy trì từ khi bé mới chào đời. Mình thuận tay phải nên sẽ ngồi bên phải để có thể giở trang sách mà không làm ảnh hưởng đến con.
Nội dung truyện sẽ được mình đọc toàn bộ mà không lược bớt, hay làm đơn giản hóa hoặc lược bỏ đoạn. Khi gặp những từ ngữ mà con không biết, mình dành thời gian để giải thích cho con.
Dần dần, khi con tiến bộ hơn, mình bắt đầu đặt câu hỏi về diễn biến câu chuyện, về các nhân vật, những cảm nhận của con về vai trò của từng nhân vật trong câu chuyện,...
Số lượng sách đọc sẽ do con tự quyết định. Hôm nào mình cũng đọc mấy chục cuốn cho con nghe là chuyện bình thường. Trừ phi đến giờ phải làm việc quan trọng nào đấy thì mình sẽ đàm phán với con: "Chúng mình đọc nốt quyển sách này rồi đi ngủ nhé!".
5. Nên bắt đầu đọc sách từ đâu và đọc như thế nào?
Khi đọc sách cho con, mình thường sẽ không bắt đầu ngay vào nội dung chính mà đầu tiên sẽ đọc tiêu đề cuốn sách, tiếp đến là tên tác giả và họa sĩ vẽ tranh minh họa, giải thích cho con về vai trò của họ trong cuốn sách. Nếu có lời đề tặng, mình còn đọc cho con và giải thích ý nghĩa của lời đề tặng đó nữa cơ.
Thỉnh thoảng trong lúc đọc, mình sẽ vừa đọc vừa dùng tay chỉ theo từng chữ để giúp con làm quen với mặt chữ.
Đối với các bố mẹ có con lớn hơn, hãy cùng xem phần tóm tắt và giải thích cho con nội dung có trong phần mục lục: số trang, số chương, tiêu đề từng chương.
6. Sắp xếp góc đọc sách trong phòng của trẻ
Bố mẹ đừng đánh giá thấp vai trò của góc đọc sách nhé. Cũng giống như khi ôn bài phải ngồi ở góc học tập, ăn cơm phải vào bàn ăn thì đọc sách cũng cần có không gian riêng để bạn nhỏ rèn luyện sự tập trung khám phá thế giới trong trang sách, từ đó hình thành nên thói quen đọc sách.
Đầu tiên mình dọn dẹp trống một góc phòng, sau đó kê một chiếc kệ sách vải Montessori vào đó. Kệ này phù hợp với chiều cao của con và bề mặt sách quay ra ngoài nên con có thể tự chọn sách khi muốn. Trên kệ này mình sẽ để những quyển mình muốn con đọc và thi thoảng thay đổi.
Bên cạnh kệ sách vải Montessori, mình kê thêm một chiếc kệ tổ ong để có thể để chỗ sách còn lại, tất nhiên dựng đứng gáy để dễ nhìn và dễ lấy.
Tiếp đến mình để một bộ bàn ghế thấp và một chiếc ghế lười hạt xốp cho con thích ngồi đâu thì ngồi. Thi thoảng mình còn mở lều vải, trải thảm thêm một vài chiếc gối như một nơi trú ẩn để con có thể tha hồ đắm chìm vào thế giới của những cuốn sách.
7. Đảm bảo những cuốn sách luôn đa dạng về chủ đề
Mình luôn đảm bảo sách bày trên kệ sách vải Montessori của con đa dạng về chủ đề, nhưng lúc nào cũng sẽ có:
Ít nhất một cuốn sách khoa học (về Trái Đất, môi trường, động vật) và một cuốn học hát hoặc tuyển tập thơ thiếu nhi
Những cuốn sách mà con yêu thích
Thỉnh thoảng, mình lại lấy sách từ kệ sách tổ ong để thay đổi cho những quyển sách trên kệ sách vải Montessori của con.
8. Lựa chọn những cuốn sách phù hợp với độ tuổi của trẻ
Con mình 32 tháng, đang ở độ tuổi 2-3, độ tuổi luôn có nhu cầu muốn hiểu rõ về thế giới xung quanh. Vì thế mình tìm những cuốn sách phản ánh cuộc sống hàng ngày, môi trường xung quanh có hình minh họa đẹp và nội dung đơn giản. Ví dụ như: Chú sâu háu ăn, Thân gửi sở thú,...
Nếu con bạn trong độ tuổi:
0-2: chủ yếu là sách vải hoặc sách bìa cứng, sách tương tác, lật giở, nhiều hình ít chữ, màu đen trắng (cho bé 0-6 tháng vì lúc này mắt con chỉ nhận biết được 2 màu sắc cơ bản và màu sắc bắt mắt khi con lớn hơn 1 chút
3-4: những cuốn sách phản ánh cuộc sống thực tế của con sẽ làm con thích thú, ví dụ như dạy trẻ về những tình huống như đi học, đi du lịch,...
4-5: giai đoạn này con có thể đọc những quyển sách giải thích thế giới xung quanh với những câu chuyện dài hơn và có ít mình họa hơn
5 trở lên: khuyến khích con chọn những quyển sách ít hình ảnh, có nội dung dài hơn và diễn biến phức tạp hơn, bạn cũng có thể bắt đầu cho con đọc sách có nhiều chương, bản đồ và từ điển
9. Đến thư viện
Đây là việc mình biết nhưng chưa làm được với con này, trong tương lai nhất định mình sẽ thường xuyên cùng con đi thư viện và làm một cái thẻ đọc riêng cho con.
Một trong những điều tuyệt vời mà trải nghiệm đi thư viện hay hiệu sách mang lại cho các bạn nhỏ, chính là được ngắm nghía, lựa chọn, được sống trong không gian toàn sách là sách, được thấy mọi người xung quanh yêu quý sách, trân trọng sách và đọc sách tập trung, chăm chú thế nào…
Tình yêu với những cuốn sách, sự hào hứng với việc đọc sách cũng như thói quen đọc sách cũng sẽ bắt đầu từ đây.
10. Tới các hiệu sách
Ngày xưa bố mẹ hay lê la ở những hiệu sách trên đường Láng, rồi phố sách Đinh Lễ. Còn ngày nay, các con được đắm chìm trong những tổ hợp sách hiện đại, xinh xắn, thân thiện như nhà sách Tân Việt, Fahasa, Phương Nam,...
Cái cảm giác bước chân vào một không gian đầy ắp sách, được lướt bàn tay trên những cuốn sách thơm mùi giấy mới, lật giở nhanh từng trang, rồi bất ngờ bắt gặp một vài câu nào đó thật ấn tượng, rồi háo hức chọn mua… đều là những trải nghiệm mà mình muốn con có.
Rất biết ơn các bố mẹ đã đọc đến đây ạ. Trên đây là 10 cách bạn có thể làm để tạo thói quen đọc sách cho con. Nếu còn cách nào hay nữa, các bố mẹ hãy cùng nhau bình luận bên dưới nhé.