do-choi-phat-trien-van-dong-tho

Gợi ý 12 món đồ chơi phát triển vận động thô tốt nhất cho trẻ 1-3 tuổi

August 21, 20229 min read

Những món đồ chơi phát triển vận động thô tốt này sẽ giúp con bạn phát triển các kỹ năng cần thiết kể từ khi bé mới chập chững biết đi.

Vận động thô là gì và tại sao phát triển vận động thô lại quan trọng?

Vận động thô là:

  • Sự vận động các cơ lớn của cơ thể như cơ đầu - cổ, cơ lưng - ngực - bụng, cơ chân,...

  • Sự phối hợp các nhóm cơ lớn để giúp cơ thể giữ thăng bằng bằng cách thực hiện các hoạt động phối hợp như lẫy, ngồi, bò, đứng, vịn,...

  • Sự phối hợp các nhóm cơ lớn để giúp cơ thể kiểm soát thăng bằng như đi mà không lao đầu vào tường, hay đang chạy có thể dừng lại,...

Vận động thúc đẩy quá trình myelin hóa (quá trình chất béo bao bọc dần xung quanh dây thần kinh, liên quan tới sự trưởng thành của hệ thần kinh) các tổ chức thần kinh và biến đổi ở vỏ não bộ.

Quá trình myelin hóa mạnh nhất ở giai đoạn từ trẻ sơ sinh đến 2 tuổi và trọng lượng của não tăng nhanh ở giai đoạn này. Chậm myelin hóa sẽ làm trẻ chậm phát triển tinh thần và vận động như chậm biết đi, chậm biết nói và giảm khả năng nhận thức.

Vận động thô hoàn thiện phù hợp độ tuổi sẽ thúc đẩy bé chủ động khám phá thế giới xung quanh và phát triển các kỹ năng khác như vận động tinh, xã hội, cá nhân,...

Bé dần xây dựng được sự tự tin cho bản thân, rằng mình có thể tự làm một số việc trong khả năng như tự lấy thứ mình thích, cầm bỉm bẩn đi vứt ở sọt rác,... Đây là nền tảng quan trọng để phát triển tính lạc quan ở trẻ khi lớn lên.

Đồ chơi vận động thô tốt nhất cho trẻ 1-3 tuổi

Đồ chơi phát triển vận động thô cho bé 1 tuổi

Các mốc kỹ năng vận động thô của bé 1 tuổi

  • Có thể đứng một mình

  • Di chuyển bằng cách bám tay vào đồ trong nhà

  • Bắt đầu đi những bước đi đầu tiên

Các loại đồ chơi phát triển vận động thô gợi ý cho độ tuổi này

Cầu trượt

Con mình rất may mắn có được một chiếc cầu trượt trong nhà (đồ gia truyền, truyền từ đời này sang đời nọ) ngay từ khi bạn ý mới biết bò, nên tha hồ bám vịn để đứng, hay bò lên cầu thang để trượt xuống.

Lúc đầu, con chưa giữ được thăng bằng, mình hướng dẫn con trượt úp người xuống, cho đến khi bạn ý sẵn sàng ngồi thẳng đứng để trượt. Có rất nhiều loại cầu trượt trên thị trường, các ba mẹ lưu ý chọn cho con loại nào chắc chắn một chút và làm từ chất liệu không có hại cho bé nhé.

Nhà bóng

Chỉ cần một chiếc bể bơi phao và vài trăm quả bóng nhựa là con có ngay một nhà bóng mini trong nhà. Việc trèo ra trèo vào thả người và chìm xuống đống bóng khiến con rất thích thú. Bạn ý còn hay ngồi và nhún trên thành của bể bơi phao nữa.

Đôi khi mình để ván của cầu trượt vào trong nhà bóng để con có thể trượt "ùm" xuống. Đối với các quả bóng bị rơi ra ngoài, mình hay làm mẫu nhặt lại vào phao nên bạn ý cũng bắt chước và rất có ý thức trong việc này. Việc đi đi lại lại để nhặt và thả bóng cũng là một hoạt động phát triển vận động thô.

Xà đu đa năng

Từ hồi bé 9 tháng mình đã sắm cho con một bộ xà đu đa năng để bé có thể tập vịn đứng. Mình treo các đồ chơi nhỏ màu sắc bắt mắt để khuyến khích bé leo lên. Chưa đầy 11 tháng con có thể tự leo lên đỉnh và leo xuống.

Ngoài ra, bộ xà đu này còn có xích đu, vòng đu, lưới trèo… Cực kỳ nhiều trò cho con chơi tận đến năm 6 tuổi.

xa-du-da-nang

Đồ chơi phát triển vận động thô cho bé 1 tuổi rưỡi

Các mốc kỹ năng vận động thô của bé 1 tuổi rưỡi

  • Đi bộ một mình, có thể đi nhiều bước một lúc và chạy

  • Kéo đồ chơi theo khi đi bộ

  • Có thể tự cởi quần áo của mình

Các loại đồ chơi phát triển vận động thô gợi ý cho độ tuổi này

Ngựa bập bênh

Con mình có một chú ngựa gỗ được ông ngoại đóng cho vô cùng chắc chắn. Vừa với chiều cao của con nên con có thể tự leo lên leo xuống dễ dàng.

Ngoài các bộ phận được gọt đẽo tỉ mỉ, phần ván trượt ở dưới còn được ông làm thêm một tấm phản để cháu đặt chân cho thoải mái. Bạn ý thích lắm, cứ chơi mãi không thôi. Đa số ngựa bập bênh bây giờ làm bằng nhựa, các bố mẹ cũng lưu ý chọn loại chắc chắn và nhựa cao cấp cho con nhé.

ngua-bap-benh

Xe thăng bằng

Món xe thăng bằng này con mình cũng được ông cậu làm cho một cái, và cũng bằng gỗ. Bé chỉ cần ngồi lên yên xe dùng chân để di chuyển. Con sẽ phát triển kỹ năng từ đi nhanh đến đi chậm, rồi lấy đà phóng và co cả 2 chân lên.

Để cho an toàn, các bạn có thể cho con đội thêm mũ bảo hiểm và bảo hộ tay chân. Về loại xe thì mình thấy mọi người hay mua cho con xe thăng bằng Ander, các bạn có thể tham khảo.

Bạt nhún

Bạt nhún giúp tụi nhỏ tăng sức đề kháng, làm trí óc phát triển, giúp các con vui vẻ, chữa trầm cảm, tự kỷ. Không những thế nó còn cực kỳ tốt cho sức khoẻ, việc nhảy tưng tưng lên cao sẽ giúp lưu thông máu huyết toàn thân, từ đỉnh đầu tới ngón chân.

Mà hệ bạch huyết quan trọng thế nào thì các bạn cũng biết rồi đấy, không có hệ này thì khỏi đào thải độc tố, chống nhiễm trùng, loại bỏ tế bào ung thư..., hệ bạch huyết mà tắc 4 ngày thì cơ thể sẽ chết. Mình mua bạt nhún của Decathlon, trọng tải lớn nên cả mẹ cả con nhảy ầm ầm trên đó thoải mái.

Đồ chơi phát triển vận động thô cho bé 2 tuổi

Các mốc kỹ năng vận động thô của bé 2 tuổi

  • Kiễng chân lên

  • Đá bóng

  • Chạy

  • Leo lên và xuống đồ trong nhà, đi lên và xuống cầu thang

  • Ném bóng bằng tay

Các loại đồ chơi phát triển vận động thô gợi ý cho độ tuổi này

Scooter

Con chỉ cần đặt một chân lên mặt xe và dùng chân còn lại để đẩy, kết hợp điều khiển tay lái xe là có thể di chuyển đến bất cứ đâu. Con mình lúc đầu chỉ miệt mài dắt scooter như dắt chó đi dạo, cùng lắm đi theo kiểu thả cái chân quệt quệt xuống đất, mẹ chỉ cần thong thả đi bên cạnh.

Thế mà rồi đến một ngày, bạn ý lấy đà xong co chân lên phi vèo một cái, làm mẹ cong mông chạy đuổi theo mới kịp. Mình mua scooter của Babyhop, xe chịu được tải trọng hơn trăm cân nên khi nào mỏi chân thì mẹ con cùng đứng lên phi cũng không sợ hỏng.

scooter

Bóng cỡ nhỏ

Một quả bóng đá cỡ nhỏ sẽ giúp con phát triển kỹ năng đá bóng và chạy. Còn một quả bóng rổ mini kèm rổ sẽ giúp con tập luyện kiễng chân lên và ném bóng bằng tay.

Patin

Món patin này thì bố mẹ xác định phải nhập tâm cho con từ sớm nhé, ví dụ như mang giầy ra để ở một góc phòng chỗ dễ thấy, cứ mỗi lần con nhìn hoặc sờ mẹ lại lải nhải về ý nghĩa, xong thi thoảng cùng nhau xem video các em bé trượt patin.

Mình bắt đầu nhập tâm khi con 14 tháng. Đến 15 tháng, bé có thể đứng thăng bằng trên giày chục giây. Hơn 2 tuổi, bé có thể tự trượt một mình trên cỏ và nắm tay bố mẹ để trượt trên đường. Lưu ý trang bị bảo hộ đầy đủ cho con các bố mẹ nhé.

patin

Đồ chơi phát triển vận động thô cho bé 3 tuổi

Các mốc kỹ năng vận động thô của bé 3 tuổi

  • Leo tốt

  • Chạy dễ dàng

  • Đạp xe đạp ba bánh

  • Đi bộ lên và xuống cầu thang, mỗi bậc một chân

Các loại đồ chơi phát triển vận động thô gợi ý cho độ tuổi này

Xe đạp ba bánh

Con mình chưa 3 tuổi nhưng mình vẫn mua trước xe đạp ba bánh để bé tập làm quen. Đến thời điểm hiện tại, bé chỉ đạp nửa vòng chân phải để di chuyển, kệ ai nhảy lên hào hứng đạp mẫu cho xem.

Nhưng mình vẫn để con tùy ý, rồi sẽ đến một lúc nào đó, con đạp chán chân phải thì chuyển sang chân trái, sau đó đạp cả hai chân thôi. Mình chọn xe đạp ba bánh của Decathlon (cơ bản vì mình bị nghiện đồ thể thao của hãng này ý).

xe-dap-ba-banh

Ván trượt

Món này mình chưa mua nhưng đang ngắm dần, chắc cũng vẫn trung thành với hãng Decathlon thôi. Con có thể bắt đầu bằng cách một chân đặt trên ván và một chân đẩy ở dưới đất. Một khi cảm thấy thoải mái hơn, con có thể học cách điều khiển ván.

Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể hỗ trợ con bằng cách cho con đứng trên ván trượt trong khi mình từ từ đẩy. Con có thể bắt đầu học cách giữ thăng bằng và có được cảm giác mỗi lần bẻ lái mà không phải chú ý đến việc đẩy ván.

Cầu lông

Giống ván trượt, mình cũng chưa mua. Cầu lông cán ngắn dành cho các bạn bé. Bé có thể học cách tâng cầu, phát cầu và đỡ cầu. Tưởng tượng ra đã thấy rất vui rồi.

Một số lưu ý

  • Tạo môi trường chơi ổn định và an toàn cho con

  • Khuyến khích con tự mình vận động càng nhiều càng tốt

  • Nói chuyện với bé về những điều bạn sẽ làm và muốn bé làm bằng cách mô tả hành động, ngay cả khi con chưa hiểu được hết toàn bộ nội dung

  • Chỉ nên bắt đầu thật chậm rãi, sau đó tăng dần thời gian cho mỗi hoạt động. Nếu thấy bé chán, bố mẹ cần thực hiện chậm lại hoặc ngừng hản để tìm hiểu nguyên nhân

  • Ghi nhận nỗ lực của bé một cách chi tiết tiến trình

Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Đừng quên like, share nếu thấy bài viết hữu ích nha.

Back to Blog