do-choi-dat-tien

Có nên mua đồ chơi đắt tiền cho con?

August 19, 20228 min read

Tối hôm qua lướt facebook, mình có tình cờ đọc được một bài đăng của một bạn trên một nhóm mẹ và bé phàn nàn về việc bạn ý mua đồ chơi hàng hiệu cho con hay bị mọi người trong gia đình gàn, kêu là lãng phí, bé tí biết gì đâu, nên muốn hỏi ý kiến mọi người thế nào về việc mua đồ chơi đắt tiền cho con.

"Khổ, mua đồ rẻ thì lại cảm thấy mình ích kỷ với con, còn đồ đắt thì lại bị coi là nuông chiều" - người mẹ này chia sẻ. Bên dưới mình thấy có rất nhiều bình luận khác nhau, nhưng tựu chung lại có thể phân thành ba nhóm:

  • Nhóm thứ nhất – Đồng tình: "Nên mua chứ, đồ chơi đắt thì thường tương xứng với chất lượng tốt", rồi "Con chúng ta xứng đáng với những điều tốt đẹp"

  • Nhóm thứ hai – Không đồng tình: "Không nên nuông chiều con trẻ sinh hư", "Trẻ cả thèm chóng chán nên mua đồ rẻ cho đỡ phí"

  • Nhóm thứ ba – Gọi là nhóm cẩn thận đi: Hỏi lại chủ bài đăng "Thế nào mới là đắt?", rồi "Mua dịp nào?” Tần suất mua?"...

Cá nhân mình nghĩ mỗi nhóm đều có cái đúng cái chưa đúng

Đầu tiên, chúng ta tạm thống nhất đắt là trên 500 nghìn đi. Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích từng ý kiến một nhé.

Đồ chơi đắt tiền thì “thường” tương xứng với chất lượng tốt?

“Thường” thì đúng! Ví dụ một bộ Lego sẽ được làm từ nhựa an toàn tuyệt đối, không chì, không BPA và các tạp chất khác. Nguyên liệu xịn nên sẽ dẫn đến giá thành cao hơn.

Còn không phải tất cả đồ chơi đắt đều tương xứng với chất lượng tốt, bởi không phải giá cả chỉ cấu thành bởi chi phí nguyên liệu tốt mà còn bởi nhiều chi phí khác nữa như chi phí nhân công, chi phí quảng cáo...

Con chúng ta xứng đáng với những điều tốt đẹp?

Cũng đúng nốt! Nhưng không phải vì thế mà tuy điều kiện gia đình vẫn còn khó khăn bố mẹ cũng cố gồng gánh để sao cho con mình được dùng đồ tốt nhất.

Không nên nuông chiều con trẻ sinh hư?

Chuẩn luôn! Không nên bỏ ra số tiền lớn để chiều theo sở thích của trẻ dẫn đến sau này trẻ không biết quý trọng đồng tiền.

Trẻ cả thèm chóng chán nên mua đồ rẻ cho đỡ phí?

Cái này thì chỉ đúng vế đầu tiên. Trẻ nhanh chán đồ chơi là chuyện đương nhiên, chúng dùng năm giác quan như người lớn để khám phá đồ chơi nhưng lại nhanh hơn bất cứ người lớn nào.

Chúng sẽ quan sát, nắm lấy, lúc lắc cho phát ra tiếng, ngửi, ăn sau đó cố đập và phá dỡ để tìm hiểu bên trong, và khi khám phá xong rồi thì trẻ sẽ bỏ qua một bên để học cái khác.

Trên thực tế, rất nên mua nhiều đồ chơi cho trẻ. Vì ngoài ăn để lớn lên, con cần được chơi để nay mai biết mà làm, và sau này là học những thứ có ý nghĩa.

Trẻ con học thông qua đồ chơi, tính kiên nhẫn, tính quan sát, trí thông minh logic, sắp xếp, cách chia sẻ..., tuy nhiên cũng cần cân nhắc đến các yếu tố khác như mua dịp nào, tần suất mua.

Các yếu tố khác cần xem xét ngoài "đắt"

Tóm lại, đắt không phải yếu tố quan trọng nhất quyết định đồ chơi có tốt hay không, có các yếu tố khác cũng phải xem xét như:

Phải có ý nghĩa

Đồ chơi phải được thiết kế nhằm hỗ trợ sự phát triển kiến thức, kỹ năng và khả năng của trẻ, tránh đồ chơi bạo lực, ưu tiên những đồ chơi mang tính sáng tạo, có thể kể đến một số loại sau:

  • Đồ chơi tư duy: hướng đến phát triển khả năng tư duy và đồng thời giúp phát triển kỹ năng vận động tinh (fine motor skills), bao gồm các loại đồ chơi ghép hình (puzzles), đồ chơi phân loại theo hình dáng (shape sorters), đồ chơi đánh đố (brainteasers)

  • Đồ chơi nghệ thuật và sáng tạo: giấy, bút màu, sách tô màu, màu vẽ, đất nặn, đồ làm thủ công và các loại đồ dùng nghệ thuật khác

  • Đồ chơi vận động tích cực: phát triển kỹ năng vận động thô (gross motor development), bao gồm các loại bóng, xích đu, đồ chơi để cưỡi lên, xe đạp 3 bánh, dụng cụ thể thao, đồ chơi leo trèo

  • Đồ chơi lắp ghép (building): giúp phát triển kỹ năng vận động tinh, tăng khả năng sáng tạo và tập trung của con, gồm đồ chơi xếp gỗ, Lego, Megablocks,...

  • Đồ chơi âm nhạc: Cải thiện khả năng ngôn ngữ và trí não, piano mini, đàn gió, trống, thanh gõ,...

  • Đồ chơi nhập vai (đóng giả): giúp phát triển kỹ năng cộng đồng, cảm xúc và ngôn ngữ, bởi trẻ chơi theo những câu chuyện mà chúng tưởng tượng ra, bao gồm các loại bộ đồ chơi nấu bếp, xe ô tô, trạm cứu hỏa, thú nhồi bông, hay đồ chơi trang phục nhập vai

Phù hợp với lứa tuổi của bé

Khi lựa chọn đồ chơi trí tuệ cho bé, cha mẹ cần lưu ý là đồ chơi đó có phù hợp với lứa tuổi của bé không:

  • Giai đoạn từ 0-12 tháng tuổi: Đây là giai đoạn trẻ tập lẫy, tập bò, tập đứng, tập đi. Đồ chơi phù hợp với trẻ là những đồ chơi mềm, chuyển động chậm, có nhiều màu sắc, phát ra các âm thanh ngộ nghĩnh.

  • Giai đoạn từ 1-2 tuổi: Đây là giai đoạn trẻ đã biết đi và đang tập nói. Các loại đồ chơi phù hợp trong giai đoạn này là đồ chơi xếp hình, đồ chơi có dạng hình khối, đồ chơi phát ra âm nhạc, giọng nói.

  • Giai đoạn từ 2-3 tuổi: Đây là giai đoạn trẻ đã biết tò mò tìm hiểu thế giới xung quanh. Hãy phát huy tối đang mong muốn của trẻ bằng những đồ chơi liên quan đến cuộc sống, các đồ chơi lắp ghép, đồ chơi nhiều màu sắc, đồ chơi có tính so sánh.

  • Giai đoạn từ 3-4 tuổi: Đây là giai đoạn trẻ đã biết tưởng tượng. Hãy thúc đẩy quá trình này bằng các đồ chơi mang tính sáng tạo và logic như xếp hình, lắp ghép, tập bảng chữ có âm thanh, vẽ hình, dán hình….

  • Giai đoạn từ 4-6 tuổi: Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu làm quen với chữ viết, cách tính toán, cách suy nghĩ, tư duy logic. Ở giai đoạn này cha mẹ nên hướng trẻ chơi những đồ chơi có tính học tập, tư duy và sáng tạo.

An toàn

Đồ chơi còn phải đảm bảo an toàn khi chơi, không sơn chì hoá chất, không gây nguy hiểm. Xuất xứ của đồ chơi cũng cần xem xét.

Đầy đồ chơi "không đắt" cũng hội tụ đầy đủ các yếu tố trên

Thậm chí không mất tiền mua, như đồ chơi làm từ đồ tái chế (lốp xe, thùng giấy...), hay đồ chơi đến từ thiên nhiên (lá cây, hoa...).

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần dạy con dọn đồ chơi và giữ đồ chơi

Mình thấy điều này vô cùng quan trọng, đây không thì là một thói quen tốt mà còn dạy con phải trân trọng đồ chơi nữa. “Đồ chơi là bạn, mình cần nhẹ nhàng với bạn”, “Đồ chơi cũng cần được nghỉ ngơi, giống như mình, nên khi chơi xong con để lại bạn vào thùng hoặc cất lên giá nhé”. Mình hay nói với con như vậy.

Bố mẹ cần làm mẫu và cùng dọn đồ chơi với con, có khi vừa dọn vừa hát hoặc nói chuyện với đồ chơi kiểu “Bạn khỉ đi ngủ đi nhé”, “Bạn hươu đi ngủ đi nhé”,… để biến việc dọn đồ chơi trở nên vui vẻ sống động. Hãy đặt ra những quy định và đưa việc dọn đồ chơi vào thói quen hàng ngày của trẻ nhé.

Và đừng quên, đồ chơi "đắt" nhất của con chính là bố mẹ!

Giáo sư Sasaki Masami, tác giả bộ sách nổi tiếng “Trẻ em trong gia đình” đã từng nói rằng “Sở dĩ trẻ đòi bố mẹ mua đồ chơi là vì thiếu tình yêu thương từ bố mẹ. Khi cha mẹ không thể dành tâm trí, thể xác và thời gian để đáp ứng những nhu cầu của trẻ, trẻ bắt đầu tìm đến những món đồ do người khác làm ra”.

Mua cho con thật nhiều đồ chơi đắt tiền nhưng lại chẳng có thời gian chơi cùng con, còn tệ hơn cả việc con chẳng có thứ đồ chơi nào, nhưng lại có bố mẹ ở bên. Con không bé bỏng mãi đâu, hãy tranh thủ ở bên con, ôm con vào lòng, nói lời yêu thương và đồng hành cùng con bố mẹ nhé.

Trên đây là ý kiến của mình về việc có nên mua đồ chơi đắt tiền cho con hay không. Còn bạn, ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy cùng chia sẻ bên dưới nhé.

Back to Blog