“Mặt trái” của việc nuôi con bú sữa mẹ trực tiếp

by Hoang Lan Phuong

Tính đến thời điểm hiện tại, mình đã cho nuôi con bằng sữa mẹ bú trực tiếp được hơn 2 năm rưỡi. Có nghĩa là sữa mẹ hoàn toàn và cho ti trực tiếp, không dùng đến máy hút sữa vắt sữa ra. Cùng mình tìm hiểu xem những khó khăn cũng như lợi ích của việc này là gì, và một số kinh nghiệm của mình rút ra từ hành trình của bản thân nhé!

1. Những khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ bú trực tiếp

nuoi-con-bang-sua-me-kho-khan
Khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ bú trực tiếp

1.1. Đau nứt cổ gà nếu cho bú sai khớp ngậm

Mới sinh xong mình chưa biết cho con ngậm đúng khớp, kết quả nứt cổ gà, mỗi lần con nút 1 phát là buốt đến tận óc. Chưa kịp lành cũng vẫn phải cho bú tiếp, sau mỗi lần lại lấy kem Medela thoa lên cho đỡ rát rồi lại tiếp tục.

1.2. Ngồi lâu đau lưng đau mông

Và trong tháng đầu tiên đó, nhiều khi con bú lâu khủng khiếp, có lúc 30 phút đến 1 tiếng, mình vẫn ngồi ôm con đến đau hết cả mông và lưng, vết khâu cũng khó lành hơn, sau nghĩ ra cách chụm cái gối bầu đỡ bụng để ngồi lên như cái bệ xí nên đỡ đau.

1.3. Con với mẹ dính nhau như hình với bóng

Vì cho bú trực tiếp mà nên khi còn cần là mẹ có mặt, mẹ đi đâu cũng phải vác con đi đó, khăn che cho bú là vật bất li thân để có thể cho bú mọi lúc mọi nơi. Mình nhớ có lần mình bị sốt do nhiễm khuẩn đường tiết niệu, phải vào viện khám, vắt sữa ra cho con uống mà nó nhận ra nên ko chịu, gào khản cả cổ vì đói mới mút mút 1 tí rồi thiếp đi chờ mình về, may mà lần đấy sốt vì nhiễm khuẩn nên vẫn cho con bú được mà ko sợ lây cho con.

1.4. Lo lắng không đủ sữa cho con

Mặc dù mình được học rồi nhưng giai đoạn đầu vẫn thi thoảng nơm nớp nỗi lo mình ko đủ sữa, vì nhiều khi ti xẹp hoặc bé bú lâu quá, mà cũng ko có cách nào để đo xem bé ăn bao nhiêu.

1.5. Phải tự xoay sở một mình với việc cho con bú

Trong khi vắt sữa ra bình có thể nhờ được người khác cho con bú bình hộ để tranh thủ chợp mắt một lúc, nhất là đêm chẳng hạn, thì cho bú trực tiếp sẽ phải một mình mình dậy, cho bú xong tự đặt con xuống rồi ngủ.

2. Nhưng rồi sau này…

nuoi-con-bang-sua-me-loi-ich
Nhưng rồi sau này…

2.1. Con sẽ trở thành chuyên gia bú

Tuy sau này một mồm đầy răng nhưng mà bú mẹ không đau tí nào, và còn ko cắn ti mẹ nữa nếu mẹ biết cách.

2.2. Thời gian bú của con cũng ngắn lại

Mỗi lần bú chỉ kéo dài khoảng 15 phút sau đó chơi hoặc ngủ. Và con cũng lớn hơn nên đêm mẹ có thể vừa nằm ôm con vừa ngủ vừa cho bú, khi no con sẽ tự nhả ra.

2.3. Thảnh thơi khi đi chơi

Đi chơi đâu mẹ sẽ không cần chuẩn bị nào là máy hút sữa, bình sữa, máy tiệt trùng, máy hâm sữa,… Tất cả những gì mẹ cần mang theo chỉ là hai cái bình sữa di động.

2.4. Sữa luôn luôn có đủ cho con

Mẹ sẽ chắc chắn một điều rằng cơ thể mẹ kỳ diệu lắm, chỉ cần ôm con cho bú là sữa sẽ ra.

2.5. Tình mẫu tử thiêng liêng không thứ nào sánh được

Đây là lợi ích rõ rệt nhất. Mỗi lần mẹ cho con bú là một lần mẹ được ôm con trong vòng tay, được ngắm khuôn mặt ấy, mắt nhìn mắt, đôi bàn tay bé xíu ôm mình, đôi chân vung vẩy. Cả mẹ và con đều có cảm giác hạnh phúc, an tâm, bình yên. Mối dây tình mẫu tử cũng được hình thành.

Ngoài ra còn 1 điều quan trọng nhất, đó là:

2.6. Không gì có thể thay thế được cái mồm của con

Mỗi lần núc núc là một lần tổng hợp các loại chất con cần cho lần bú đó, điều mà vắt sữa ra bình không thể làm được, với:

  • Sữa đầu nhẹ hơn, giải khát và kích thích ngon miệng, như một món khai vị cần thiết.
  • Sữa sau như bữa chính được tăng béo đồng thời với thời gian các dịch tiêu hóa, tụy, mật được tiết ra đầy đủ để giúp tiêu hóa và hấp thụ chất (đặc biệt là chất béo) một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra, sữa mẹ bú trực tiếp còn cung cấp hệ miễn nhiễm thích ứng khi môi trường của con tiếp xúc với một loại khuẩn có hại hay mầm bệnh nào đó. Chẳng hạn hôm nào đó con có gặm thanh cầm của xe đẩy hàng thì sữa hôm đó sẽ chứa nhiều kháng thể cần thiết để chống lại khuẩn hay mầm bệnh có thể có, bên cạnh những kháng thể tổng quát có sẵn trong sữa mẹ.

3. Một số kinh nghiệm khi nuôi con bằng sữa mẹ bú trực tiếp

mot-so-loi-khuyen-nuoi-con-bang-sua-me
Một số kinh nghiệm khi nuôi con bằng sữa mẹ bú trực tiếp

3.1. Trang bị những kiến thức về nuôi con sữa mẹ

Đầu tiên, cần phải biết thứ tự ưu tiên dinh dưỡng của trẻ sơ sinh theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới WHO trong đó sữa mẹ ruột bú trực tiếp đứng đầu danh sách, kế đó là sữa mẹ ruột vắt trữ, bú ké sữa mẹ khác, sữa mẹ đi xin hoặc trong ngân hàng sữa mẹ, cuối cùng mới là sữa bột nhân tạo uống bằng thìa.

Tiếp theo, cần biết các giai đoạn tạo sữa:

  • Giai đoạn 1: Bắt đầu từ khoảng tuần thứ 16 – 20 của thai kỳ đến khoảng 72 giờ sau khi sinh, là giai đoạn tạo sữa vàng đầu tiên
  • Giai đoạn 2: Bắt đầu từ khoảng 72 giờ sau khi sinh và tiếp tục đến 6 tuần kế tiếp. là giai đoạn chuyển tiếp từ sữa vàng đầu tiên sang sữa già. Sữa già về dồi dào và tràn trề, chưa đến cữ bú, bầu vú mẹ đã cương cứng, sữa mẹ thường xuyên chảy tràn, bú bên này chảy bên kia, nghĩ đến con cũng ướt áo
  • Giai đoạn 3: Bắt đầu từ tuần thứ 6 sau khi sinh đến khi cai sữa, bầu vú mẹ không còn thường xuyên căng đầy, sữa không còn chảy tràn, nhưng con bú bao nhiêu, sữa sẽ được sản xuất theo nhu cầu của con bấy nhiêu. Giảm cữ bú thì giảm sữa, tăng cữ bú là tăng sữa.
  • Giai đoạn 4: Bắt đầu từ khi mẹ cai sữa cho con đến khoảng 12 tuần sau đó, bầu vú mẹ thu lại gần giống với cấu trúc và kích thước trước khi mang thai, và sẵn sàng trở lại chu kỳ cho lần sinh con tiếp theo.

Một quyển sách rất hay về chủ đề sữa mẹ mà các bạn có thể tìm đọc thêm là quyển “68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ, sai và khó, đúng và dễ của Ths. Lê Nhất Phương Hồng”.

3.2. Học cách cho con bú đúng khớp ngậm ngay từ đầu

Bắt đầu bằng tư thế bú đúng:

  • Cả người bé úp hẳn, SÁT vào người mẹ
  • Tai-vai-hông của bé thẳng hàng, cho dù ở tư thế bú nào – nằm hay ngồi
  • Cằm bé cắm sâu vào bầu vú mẹ
  • Đầu bé ngửa ra tối đa (góc giữa cằm cổ khoảng 140 độ)
  • Đầu vú mẹ ngang đầu mũi bé (không đặt đầu vú ngang miệng bé nhé)
  • Mẹ nâng đỡ cổ và thân con, chứ không điều khiển đầu và cổ của con.

Sau đó, con sẽ “chớp lấy thời cơ” và nhanh chóng dễ dàng ngậm bú đúng khớp.

3.3. Ăn uống đủ chất

  • Mẹ cần ăn thực phẩm phong phú để có đủ loại vitamin và khoáng chất cung cấp vào sữa hàng ngày cho con. Các thức ăn cần thiết giàu vitamin và khoáng chất bao gồm: trái cây, rau quả nhiều màu sắc, các loại hạt, đậu, đỗ, các loại gạo…
  • Đảm bảo đủ đạm, béo, tinh bột, canxi để giữ cơ thể mẹ khỏe mạnh , để bù đắp các chất được lấy từ các mô của mẹ để tạo sữa cho con.
  • Đảm bảo uống đủ nước

3.4. Giữ tâm thái bình an, tự tin vào bản năng nuôi con bằng sữa mẹ của mình

Điều này còn quan trọng hơn cả ăn uống đủ chất. Khoa học sữa mẹ đã chứng minh sữa mẹ dược tạo và tiết nhờ hormone, kích thích nhờ con bú đúng, và sức bú của bé quyết định lượng sữa của mẹ.

3.5. Trang bị một số vật dụng phục vụ việc nuôi con sữa mẹ bú trực tiếp

  • Kem bôi đầu ngực: Bạn có thể tham khảo Kem cừu Purelan Medela, an toàn khi cho con bú. Kem giúp dịu lại và chữa lành tổn thương
  • Áo lót cho con bú + Ốc hứng sữa + Miếng lót thấm sữa: Mình dùng Ốc hứng sữa của Medela, chất liệu silicon khá mềm; miếng lót loại 1 lần dùng của Moony, loại giặt được dùng của Farlin.
  • Vitamin bầu/bú, canxi, sữa bầu/bú: Có rất nhiều loại, vitamin thì mình uống Multivitamin Pregnacare, Vitabiotics Pregnacare breast-feeding có cả DHA, Tảo xoắn Spirulina, Canxi thì uống của Ostelin, sữa thì Frisomum, sữa hạt. Hoặc bạn có thể tham khảo Bộ Tứ Xynapsa, bổ sung đầy đủ vừa vitamin khoáng chất vừa collagen cho mẹ
  • Gối cho con bú hình chữ C hay U

Trên đây là toàn bộ chia sẻ của mình về việc nuôi con bằng sữa mẹ bú trực tiếp. Xin chúc các bạn luôn vững tin để kiên trì theo con đường này, dẫu có khó khăn cũng không bỏ cuộc.

Đừng quên like và share nếu bạn thấy bài viết hữu ích nha!

Xem thêm: REVIEW KHÓA HỌC CỬA SỔ VÀNG CHUYÊN SÂU – KHÓA HỌC ĐÃ LÀM THAY ĐỔI HOÀN TOÀN CUỘC SỐNG LÀM MẸ CỦA MÌNH

You may also like

Leave a Comment