Lang thang cùng con tại Bangkok 6n5đ

by Hoang Lan Phuong

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ những điều bạn cần biết về du lịch Bangkok và gợi ý một lịch trình 6n5đ phù hợp khi trong đoàn có bé nhỏ.

1. Chuẩn bị gì trước khi du lịch Bangkok

1.1. Vé máy bay

Tụi mình chọn hãng Vietjet vì đây là hãng giá rẻ bay từ sân bay Nội Bài. Hơn nữa còn đáp tại sân bay Suvarnabhumi nổi tiếng to đẹp. Có 7kg ký gửi và có thể đổi ngày bay (không thể đổi tên hành khách). Vé mua trên app traveloka vì trải nghiệm app tốt, hay có mã giảm.

Lưu ý: Trẻ dưới 2 tuổi chỉ cần phải trả chi phí phục vụ trên máy bay là 200k (chưa bao gồm VAT), không được ngồi ghế riêng mà phải ngồi trong lòng người lớn. Trẻ trên 2 tuổi giá vé sẽ bằng 100% vé người lớn.

1.2. Đổi tiền

Bạn có thể đổi tiền theo 3 cách:

  • Tại ngân hàng Vietcombank: cần gọi trước để họ chuẩn bị, mang hộ chiếu và vé máy bay khứ hồi, tỷ giá khá tốt, làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và 16h là đóng cửa.
  • Ở Hà Trung: mình thường đổi ở Quốc Trinh 30 Hà Trung, gọi điện 024 3826 8856 để hỏi trước tỷ giá và giờ làm việc trước khi đến.
  • Ở Super Rich Thái Lan: tỷ giá rất tốt, có một chi nhánh rất to bên cạnh Big C, quầy màu đỏ (không phải xanh lá của Kasikorn Bank tỷ giá rất đắt đâu nha).

Kinh nghiệm là các bạn nên đổi trước một ít tiền Thái ở Việt, còn đâu mang tiền Việt hoặc USD thiếu thì qua Thái đổi tiếp. Mang Visa/Mastercard theo để phòng trường hợp cần, quẹt có khi tỷ giá còn tốt hơn đổi nhưng tùy ngân hàng.

1.3. Sim 4G

Mình thì mua trên Shopee, nhà mạng hay Dtac hay Truemove đều được nhé (như kiểu nhà mạng Viettel/Mobifone bên mình ấy). Ship nhanh như một cơn gió dù rằng mình chọn gửi bình thường thôi.

1.4. Đặt phòng khách sạn

Bạn nên chọn khách sạn gần trạm tàu điện trên cao (BTS) hoặc tàu điện ngầm (MRT), có rating cao, bình luận tốt. Nên book trên Booking thay vì Agoda dù giá tốt hơn, vì đã có người chia sẻ rằng book trên Agoda có thể không có phòng khi đến. Hơn nữa Booking cho phép trả tiền sau trong trường hợp kế hoạch của bạn đột ngột thay đổi. Tụi mình đặt phòng tại In-a-box hostel, gần BTS Phaya Thai.

1.5. Thái pass

Đầu tiên, chuẩn bị hồ sơ:

  • Ảnh chụp trang đầu của hộ chiếu
  • Chứng nhận tiêm chủng: Lấy trên trang web Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đổi ngôn ngữ sang tiếng Anh trước khi chụp màn hình.
  • Chứng nhận bảo hiểm: Mình chọn gói bảo hiểm Việt Nam, có thể mua online trực tiếp trên trang web của các hãng bảo hiểm, chọn ngôn ngữ Tiếng Anh cho giấy xác nhận bảo hiểm nhé.
  • Mã hiệu vé máy bay chiều đi

Sau đó, nộp hồ sơ trên trang web , làm lần lượt theo hướng dẫn của họ thôi

  • Chọn phương tiện (Air Travel nếu bạn bay)
  • Chọn quốc tịch (Non-Thai), chọn ngôn ngữ Tiếng Anh
  • Chọn diện nhập cảnh không cách ly (nếu không phải tới từ Thái), nộp các giấy tờ yêu cầu liệt kê ở phần chuẩn bị hồ sơ
  • Khai báo thông tin cá nhân
  • Khai báo thông tin tiêm Vắc xin, nếu chưa tiêm thì khai báo kết quả test nhanh ATK
  • Khai báo thông tin nơi ở/Booking khi đến
  • Điền thông tin về bảo hiểm

Xong xuôi thì ấn nộp rồi kiểm tra xem có thư xác nhận đăng ký không và ngồi chờ kết quả thôi. Theo quy định mới từ 25/5 thì sau 2-3 giờ bạn sẽ nhận được kết quả.

Đọc hướng dẫn chi tiết hơn (có hình ảnh minh họa) TẠI ĐÂY.

1.6. Hành lý du lịch Bangkok 6n5đ (có trẻ nhỏ)

  • Giấy tờ tùy thân: Hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng, căn cước công dân, Thái Pass, bảo hiểm du lịch (mà bạn mua khi đăng ký Thái Pass), chứng nhận tiêm vắc xin (in sẵn)
  • Tiền baht, tiền VN và thẻ visa, tốt nhất có túi đeo chéo trước ngực để mang hết những giấy tờ quan trọng và tiền theo người
  • Quần áo mùa hè cho 6n5đ thoải mái thấm hút mồ hôi tốt, riêng em bé mang dư ra 2-3 bộ, bỉm, trang phục phù hợp nếu đi đền chùa, hoàng cung, đồ vệ sinh cá nhân
  • Giày thể thao ôm chân (vì sẽ đi bộ nhiều), mũ rộng vành, kính râm, kem chống nắng, quạt, ô để phòng những cơn mưa bất chợt
  • Đồ ăn vặt, nước uống cho em bé vì bé đi nhiều dễ bị mất sức
  • Túi y tế (thuốc hạ sốt, thuốc đau bụng, bông băng, thuốc đỏ…), mang thêm thuốc xịt côn trùng (Green Mos) và thuốc bôi vết thương sau khi muỗi cắn (Remos)
  • Điện thoại, máy ảnh, sạc dự phòng

2. Các phương tiện chính mình sử dụng để di chuyển tại Bangkok

2.1. Tàu điện

Có 3 loại:

  • Tàu điện đi từ sân bay về hostel / khách sạn – Airway Rail Link (ARL)
  • Tàu điện trên cao – Bangkok Sky Train (BTS)
  • Tàu điện ngầm – Mass Rapid Transport (MRT)

Mình sử dụng google maps để xác định tàu đến lúc nào, đi qua bao nhiêu trạm dừng, trạm đỗ cần xuống, xuống xong đi bộ theo hướng nào để đến nơi, tổng thời gian là bao nhiêu.

Mình ra mua token/thẻ ở cây bán tự động. Lưu ý là cần tiền lẻ 10, 20, 50 baht mới mua được (Nếu bạn chỉ có tiền mệnh giá lớn hoặc gặp khó khăn trong việc mua thì có thể ra quầy cũng được). Chọn trạm mình sẽ tới, số người, máy sẽ hiển thị số tiền bạn cần trả và thả xuống token/thẻ cộng với tiền thừa theo dạng xu. Đi qua cổng bạn chỉ cần quẹt token/thẻ là cửa mở sau đó giữ lại cho tới trạm cuối thì thả vào khe.

Nếu bạn lỡ qua trạm mình cần đến, không vấn đề gì cả. Sử dụng cầu thang riêng để băng qua hướng đối diện và đi ngược lại. Chỉ cần bạn không ra khỏi trạm tàu, bạn đi bao nhiêu lần cũng được.

Ưu điểm của tàu điện là mát mẻ, nhanh, rẻ (có vé chuyến và vé ngày). Nếu bạn thuê phòng gần trạm MRT/BTS thì đây là một lựa chọn tuyệt vời. Còn không thì bạn có thể kết hợp với bắt Grab/ Tuktuk để về chỗ ở của mình cũng rất tiết kiệm chi phí nhé.

2.2. Tuktuk

Như xe chở đồ ở VN, nhanh như một vị thần, vui nhộn, hay bị thách giá. Kinh nghiệm là tra giá Grab/Bolt rồi mặc cả loanh quang 15-20 bath là được. Nên đi buổi chiều tối cho mát, chứ sáng nóng lắm.

2.3. Grab

An toàn, chỉ rẻ khi đi đông 2-3 người, nên đi Grab cho đỡ phải mặc cả. Bạn tạo tài khoản Grab mới bằng sim 4G vừa mua, sau đó thêm thẻ thanh toán quốc tế hoặc trả bằng tiền mặt để sử dụng. Nhớ áp mã giảm dành cho người mới nhé. Ngoài Grab ra còn có Bolt nghe nói rẻ hơn tuy nhiên mình chưa thử, bạn nào dùng rồi chia sẻ cho mình nhé.

2.4. Tàu, thuyền

Đi đến BTS Saphan Taksin, xuống ngay dưới cầu đi bộ là sông Chao Phraya. Mình được trải nghiệm 2 loại tàu:

  • Smart ferry: vắng vẻ, rộng rãi, điều hòa mát rượi, 20 baht/người, em bé miễn phí, tuy nhiên đi chậm và chờ hơi lâu mới có một chuyến
  • Tàu màu cam: đông hơn, 15 baht/người, em bé miễn phí, đi nhanh, nhiều chuyến (tàu màu xanh xịn hơn đôi chút, 50 baht/người)

2.5. Một số phương tiện khác

  • Xe ôm: mình không đi vì nghe nói phóng bạt mạng lắm sợ nguy hiểm
  • Xe buýt: phải nghiên cứu bản đồ để lên đúng tuyến nên thôi
  • Song thẻo: cũng đi theo tuyến kiểu như xe buýt
  • Taxi: thi thoảng sẽ phải mặc cả

3. Lịch trình du lịch Bangkok 6n5đ gợi ý cho gia đình có bé nhỏ

3.1. Ngày 1: Sân bay Nội Bài ➡️ Sân bay Suvarnabhumi ➡️ Check-in hostel In-a-box ➡️ Terminal 21

Sân bay Nội Bài

du-lich-bangkok-san-bay-noi-bai
Sân bay Nội Bài

Đi có trẻ nhỏ nên chúng mình đặt xe tới Nội Bài. Vì là chuyến đầu tiên sau dịch nên chúng mình tới sớm trước 3 tiếng vì sợ thủ tục lằng nhằng nhưng cuối cùng gần 1 tiếng sau cổng check-in mới mở. Cần chuẩn bị hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng, mã đặt vé máy bay, Thái Pass, bảo hiểm du lịch (mà bạn mua khi đăng ký Thái Pass), chứng nhận tiêm vắc xin. Trước đó mình còn cẩn thận test PCR cho con (vì bé chưa tiêm) nhưng cuối cùng cũng không cần đến.

Kinh nghiệm làm hộ chiếu riêng cho trẻ em dưới 9 tuổi nhanh gọn lẹ cho ai cần:

  • Chụp ảnh cỡ 4×6 và 3×4, ảnh hộ chiếu là phông trắng nhé
  • Tải mẫu tờ khai hộ chiếu (Mẫu X01) điền sẵn các thông tin, dán 1 ảnh 4×6 và 1 ảnh 3×4
  • Ra CA phường xin xác nhận vào tờ khai X01 (mang theo căn cước, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh)
  • Ra Phòng quản lý xuất nhập cảnh CA Hà Nội ở 44 Phạm Ngọc Thạch, không cần xếp số, vào thẳng cửa số 1 nộp hồ sơ (gồm tờ khai X01, 2 bản trích lục khai sinh, 2 ảnh 4×6) bảo em làm hộ chiếu cho con
  • Sau khi họ tiếp nhận hồ sơ sẽ được hướng dẫn sang cửa số 8 để thanh toán lệ phí 160k/hộ chiếu
  • Tiếp đó sang cửa số 9 để đăng ký chuyển phát nhanh 20k về tận nhà (ngày hẹn là 10 ngày sau đó)

Sau khi check in xong thì đến bước kiểm tra an ninh. Xong xuôi tụi mình ăn trưa sau đó ngồi chờ để lên máy bay.

Sân bay Suvarbabhumi

du-lich-bangkok-thai-pass-san-bay-suvarbabhumi
Cổng Thái Pass ở sân bay Suvarbabhumi

Thái Lan đón mình bằng một cơn mưa tầm tã tại sân bay. Cổng đầu tiên phải đi qua là Thái Pass. Cầm trên tay sẵn hộ chiếu, vé máy bay, Thái Pass in sẵn phần QR code và tờ khai nhập cảnh (sẽ được phát để điền trên máy bay).

Tiếp đó, bạn sẽ đến cổng kiểm tra an ninh. LƯU Ý KHÔNG CHỤP ẢNH nhé! Mình vì mắt mũi tèm nhèm không nhìn thấy cảnh báo Restricted Area nên lỡ giơ máy lên bấm tách phát, bị mấy anh hải quan đẹp trai giữ lại phạt 2000 baht (khoảng 1tr3 vnd). May cuối cùng các anh chỉ doạ cho nhớ đời xong tha cho, còn dẫn đi vào đường ưu tiên.

Còn qua một cổng nữa mà mình quên mất tên rồi, do lúc này không dám lôi điện thoại ra chụp ảnh gì nữa. Chỉ nhớ cần phải khai báo tên hostel mình lưu trú, chụp ảnh và lưu lại dấu vân tay.

Xong thì ba đứa dắt nhau đi tìm cửa hàng 7 Eleven (kiểu như Circle K ở VN ý, cái gì cũng có). Khổ nỗi cứ tưởng tìm dễ lắm, ai dè kéo vali rã cả chân vẫn không tìm thấy, nên chúng mình bỏ cuộc và quyết định di chuyển xuống hầm B1 để đi tàu điện vào thành phố. Lúc đấy lại thấy ngay một chiếc 7-Eleven. Ở sân bay sẽ có 2 chiếc 7-Eleven nhé. Một chiếc ở đối diện chỗ vào tàu điện Airport Rail Links, một chiếc ở tầng 2 giũa cổng số 7 và số 8 (tránh cho bạn đỡ phải tìm mòn mỏi). Tụi mình mua cơm, nước, đồ ăn vặt rồi ngồi ăn gần đó luôn.

Hostel In-a-box

du-lich-bangkok-hostel-in-a-box
Phòng khách hostel In-a-box

Ăn no căng rốn rồi thì xuống tầng B1 để đi tàu điện về hostel – Airway Rail Link (ARL). Cụ thể cách dùng phương tiện này mình đã chia sẻ ở mục 2. Ngồi trên tàu ngắm cảnh đẹp nhưng nhớ nghe tên trạm nhé. Như tụi mình là bị quá mất 2 bến, may mà bến ở đây cũng gần nhau, tàu chờ cũng nhanh nên đi sang bên đối diện bắt chuyến ngược lại là xong.

Chưa dừng lại ở đó, đoạn đường tìm hostel mới gian nan. Tụi mình vừa leo cái cầu đi bộ sang đường vừa xách vali mấy lần liền để đi tìm, may mà có người nhiệt tình chỉ dẫn, cuối cùng cũng đến được hostel. Lúc đó bé bắt đầu quấy và buồn ngủ, nên chúng mình quyết định để cho bé ngủ một chút, còn bản thân thì tắm rửa nghỉ ngơi.

Review qua 1 chút về hostel In-a-box:

  • Nhân viên thân thiện, dễ thương
  • Phòng khách tầng 1 thiết kế đẹp, ấm cũng, có cả băng ghế dài nệm êm con mình thích lắm, toàn chơi đùa trên đó
  • Phòng ở thiết kế tối giản, hơi bé (như tên hostel, y 1 cái hộp luôn), có ban công tuy nhiên so với giá thế là ok. Giường ngủ to trên gác xép phải trèo cầu thang lên, hơi nguy hiểm cho bé nhỏ nếu nằm trên đó. Buổi tối mấy cái đèn bật lên hết cả nhưng vẫn “tăm tối”, nhưng không sao, tụi mình về phòng chỉ để ngủ. Phòng nếu muốn dọn thì bạn phải bảo nhân viên.
  • 1 tầng sẽ dùng chung 1 nhà vệ sinh, như mình ở cả tuần thì thấy họ sẽ dọn đầu và giữa tuần.

Terminal 21

du-lich-bangkok-terminal-21
Món Tacos Mexico ở Terminal 21

Đến tối chúng mình đi tàu điện trên cao BTS đến trạm Asok là tới luôn Terminal 21. Những tưởng được biến giấc mơ chu du thế giới thành hiện thực (mỗi tầng ở đây là 1 đất nước) nhưng không thành.

8h30 chúng mình đến nơi. Ngay cổng vào có cái xe đẩy ô tô con mình rất thích mà mượn phải trả trước 9h. Hỏi han xong đi tìm hàng ăn mà đóng cửa gần hết. May sao hỏi được một nhà hàng Mexico vẫn còn mở. Lần đầu thưởng thức món Tacos của Mexico ngon vô cùng.

Ăn xong các cửa hàng cũng lục tục đóng cửa. Ba đứa cưỡi ngựa xem hoa 1 vòng Terminal xem cảnh trí rồi lượn lờ khu siêu thị bên dưới. Sau đó đi bộ ra 7-Eleven mua đồ ăn vặt về hostel ăn. Túm lại, nếu muốn đến trung tâm thương mại ăn chơi, bạn nên đến từ sớm nhé.

3.2. Ngày 2: Thủy cung SEA LIFE Bangkok Ocean World ➡️ Bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds ➡️ After you Dessert Cafe

Thủy cung SEA LIFE Bangkok Ocean World

du-lich-bangkok-thuy-cung-sea-life
Thủy cung SEA LIFE Bangkok Ocean World

Mình đến tận nơi để mua vé trong ngày (do trên KLOOK cũng không có ưu đãi gì). Họ không bán lẻ mà chỉ bán combo cả Thủy cung cả Bảo tàng tượng sáp, 2 người lớn là hết triệu chín, em bé miễn phí.

Phương tiện tụi mình chọn để đi là BTS, mua vé ngày vì nghĩ rằng lợi hơn mà tính ra còn nhiều hơn vì cả ngày chỉ loanh quanh mỗi khu Siam. Đến trạm Siam thì bạn xuống sau đó tìm Siam Paragon nhé. Đến nơi có thể hỏi luôn nhân viên ở đó Thủy Cung ở đâu hoặc tự tìm bằng cách nhìn biển chỉ dẫn treo trên đầu. Nó nằm ở tầng B1, B2 nhé, bạn sẽ nhận ra ngay cổng vào khi đi thang cuốn xuống khu Thủy cung.

Bé nhà mình không biết mấy ngày nay rơi vào tuần khủng hoảng hay gì mà hơi 1 tí không đúng ý mình là nằm lăn ra đất ăn vạ. Hôm nay cũng vậy, ăn vạ từ trạm BTS đến tận trong khu Thủy Cung. Không biết đôi giày hay cái yếm bò có vấn đề không nên mình cởi giày cho con chỉ đi tất và mặc quần thoải mái. Nhưng không! Bé vẫn “khó ở”. Cũng có thể do trong này hơi tối khiến bé có cảm giác buồn ngủ.

Cả buổi chúng mình cứ nói chuyện cùng nhau kiểu: “Uầy, dì Linh ơi, bạn cá mập kia to chưa kìa!”, “Mẹ Phương ơi, chúng mình ra xem bạn rái cá bơi đi!”. Mục đích để giới thiệu cho bé về các con vật mà bé “không quạu”. Thế mà bé nghe hết nhé, lặp lại không sót từ nào, hoa chân múa tay kiểu thuyết trình với người khác: “Đây là cá mập nè. Đúng dồi. Uh”, “Đây là rái cá bơi đấy. Đúng dồi. Uh”.

Thế nên mình mới hay nói đùa, đi du lịch cùng con, điều cần nhất là một “tâm hồn đẹp”, để kiên nhẫn chờ đợi, kiên nhẫn giảng giải, và “dù sao đi nữa mẹ vẫn yêu con” mỗi khi bé nằm ăn vạ bất cứ chỗ nào là đất. Dù là trong tầu điện ngầm hay sảnh trung tâm thương mại sang xịn mịn.

Nếu bạn nào từng đi Thủy Cung của Vin rồi thì thấy ở đây cũng na ná vậy, có một số điểm mình thấy hay ho:

  • Ở đây họ xây theo kiểu 6 mặt kính, nên ngoài xem 4 mặt xung quanh và vòm trên đầu thì còn có phòng nhìn từ trên xuống thấy cá mập lừng lững bơi qua. Cá mập ở đây to lắm, trông nhăn nheo luôn, và nhiều nữa.
  • Khu cánh cụt và rái cá nhìn thấy rõ các bạn ý bơi, đặc biệt là lúc các bạn ý được cho ăn, trông dễ thương gấp bội ý
  • Có khu hồ mở để bạn tự tay chạm vào các chú sao biển, sao biển này còn non nên sờ mềm lắm nhé, không như mấy chú mình từng sờ ở Rạch Vẹm, Phú Quốc

Ngoài ra còn có khu vực đi thuyền đáy kính nhưng thấy mọi người bảo không nhìn được mấy với mặt kính cũng bé tẹo nên tụi mình không đi.

Tham quan Thủy cung xong ba đứa ăn trưa ở khu food court phía trên, có đủ thứ đồ ăn, ra quầy nạp tiền vào thẻ sau đó cầm thẻ đi mua đồ, hết tiền lại nạp vào tiếp, ăn xong thì được trả lại tiền thừa. Tụi mình ăn pad thái, cơm rang tôm, xôi xoài, trà sữa TraChaMue. Ngoại trừ xôi xoài hơi cứng thì đồ ăn cũng tạm ổn, giá hơi cao. Sau đó chúng mình đi BTS về hostel nghỉ ngơi.

Bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds

du-lich-bangkok-madame-tussauds
Bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds

Đến chiều lại đến Siam Discovery để tham quan Bảo tàng tượng sáp. Thú thực là lúc đầu mình không định đi bảo tàng này đâu vì đây là bảo tàng có dòng chữ “cấm sờ vào hiện vật” khắp mọi nơi mà bé nhà mình mới có 2 tuổi rưỡi. Nhưng vì họ chỉ bán combo nên đành ngậm ngùi mua và xác định sẽ phải để mắt đến bé 24/24, chỗ nào “nguy hiểm” thì bế vậy.

Nơi đây trưng bày các bức tượng bằng sáp của những nhân vật nổi tiếng thế giới với tỷ lệ 1:1 từ đủ các lĩnh vực chính trị, tôn giáo, hội họa, vật lý, thể thao,…

Tham quan xong Bảo tàng tượng sáp thì tụi mình di chuyển sang khu Siam Paragon tìm quán cafe After you để ăn Bingsu.

After you Dessert Cafe

after-you-desert-cafe
After you Dessert Cafe

Đi lòng vòng mãi thì tụi mình cũng tìm được đến quán nằm ở tầng G. Đây là tiệm đồ ngọt được yêu thích nhất tại Thái Lan. Quán nhỏ, thiết kế xinh xắn ấm cúng nhưng đông lắm, phải lấy số chờ đến lượt mới được order.

Ở đây nổi tiếng với món bingsu (đá bào) và bánh toast nên tụi mình gọi cả 2. Bingsu không ngon thần thánh như một số review trên mạng, tuy nhiên lớp đá bào mềm mịn lắm, ăn miếng nào miếng nấy tan chảy luôn trong miệng, không quá ngọt. Bánh thì mình thấy hơi ngọt. Vì đói nên tụi mình order cỡ to, kết quả ăn mãi ko hết, xác định khỏi ăn thêm gì nữa. Tụi mình còn mua cả món bánh mỳ bơ tươi mà mọi người khen là mềm thơm nhiều bơ không ngọt về ăn thử nhưng mà thấy cũng bình thường, hơi ngấy.

Ăn xong tụi mình đi BTS về hostel.

3.3. Ngày 3: Safari World Bangkok ➡️ Jodd Fair

Safari World Bangkok

Hồ nước ngay cổng vào Safari World

Đây là vườn thú mở tự nhiên lớn nhất châu Á, gồm có:

  • Safari Park: vườn thú mở, các con thú được thả rông trong công viên, du khách ngồi trong xe buýt và ngắm các con thú ở bên ngoài.
  • Marine Park: các loài thú được nhốt trong chuồng và các show diễn.

Mình mua combo cả hai trên KLOOK hết triệu tư cho 2 người lớn. Bé nhà mình dưới 1m / dưới 2 tuổi miễn phí (từ 1m-1m4 / trên 2 tuổi thì nửa giá). Không nên mua voucher đồ ăn 500 bath vì giờ đóng cửa hết, chỉ mở 3 quán.

Mình chọn grab để đến vườn thú, đi cao tốc cho nhanh (mất thêm 65 baht phí cầu đường), tổng hết khoảng 700 bath. Bảo tài xế ra Marine park trước nha.

Đến nơi thì bạn vào Waiting office phía bên trái đưa mã vạch và lấy vé, mua thêm vé bus trong Safari Park (60 Bath) cầm theo 1 bản sơ đồ và giờ show diễn.

Ở cổng vào sẽ có một người kiểm tra túi (họ sẽ bảo bạn mở túi ra cho họ ngó). Quy định là k được mang đồ ăn nước uống từ ngoài vào đâu, mình có nói là snack cho bé và nước lọc thì bạn ấy cho qua luôn.

Sáng sẽ có các show sau:

  • 10h15 Show khỉ (Orangutan Show): boxing, xem xong mới thấy con mình giống khỉ ghê.
  • 11h Show voi (Elephant Show): dễ thương, được ở rất gần voi, được cho voi ăn và sờ vòi. Thức ăn cho thú ở đây đồng giá 100 bath/túi.
  • 11h45 Show Spy war: Rất hoành tráng. Có lửa có nước có đu dây nhưng cá nhân mình thấy không phù hợp với trẻ nhỏ vì có cảnh bạo lực, lửa và tiếng nổ lớn, con mình xem đến mấy đoạn đấy bị giật mình bịt mắt lại luôn bảo tạm biệt đi thì tạm biệt luôn, không muốn xem tiếp nữa.

Trưa ăn uống nghỉ ngơi, trong trạng thái bình thường mới thì chỉ có 3 hàng ăn mở: quán Ven hồ, quán Trà sữa và quán Cà phê ngựa vằn. Tụi mình ăn ở nhà hàng ven hồ rất thoáng mát, giá cả phải chăng (khoảng 80 – 100 bath) thi thoảng còn có thiên nga lờ lững bơi qua. Mua đồ ở đây theo dạng coupon, như kiểu tem phiếu thời xưa ấy, làm mình có cảm giác đang chơi đồ hàng hồi nhỏ.

Chiều lại tiếp tục đi xem show:

  • 13h30 Show cá heo: nhiều cá heo hay lắm.
  • 14h15 Show sư tử biển: vui nhất nè.
  • 15h15 Show cowboy: mình đọc thấy một số mẹ đi trước bảo có tiếng bắn súng nghe rất khó chịu, chắc lại như show spy war nên bỏ qua không đi, mà di chuyển ra chỗ xe buýt để tham quan Safari Park, 30 phút, đi chậm để bạn có thể ngắm, thú ở cự li gần, nên ngồi bên phải để ngắm được nhiều hơn. Mình đi lúc xe rộng nên cứ chuyển hai bên để xem.
    Bạn cũng có thể lựa chọn River Safari 380 baht/người trong Marine Park, để đỡ phải đi bộ. Giờ không còn bao gồm trong vé vào cửa nữa, nhưng vì đằng nào cũng đi xem show nên chúng mình không đi River Safari.

Xe thả tụi mình lại chỗ cổng vào lúc 16h10, định 16h15 xem nốt show chim mà không kịp.

Trên đường đi xem các show bạn còn có thể:

  • Tham quan xung quanh, có rất nhiều loài thú lạ như lạc đà, kanguru.
  • Tự mình cho thú ăn (voi, lạc đà, kanguru, hươu cao cổ…) với giá 100 baht.
  • Xem các bạn nhân viên cho thú ăn, như mình được xem hải cẩu ăn rất vui, thi thoảng bạn ý vừa ăn vừa phụt nước trêu du khách.
  • Chụp ảnh cùng các bạn thú tại khu Open Air Studio với giá 100 baht/lần. Có hổ con thật.

Chơi ở Safari xong tụi mình lại đặt grab về hostel khách sạn tắm rửa, nghỉ ngơi đến tối đi chợ đêm Jodd Fair.

Chợ đêm Jodd Fair

Chợ đêm Jodd Fair

Chợ đêm này là phiên bản mới của chợ đêm xe lửa Ratchada nổi tiếng đã đóng cửa. Nằm phía sau tòa nhà Unilever House. Từ trạm Phaya Thai gần hostel tụi mình đi BTS đến trạm Asok, tiếp tục đi bộ ra MRT Sukhumvit đến trạm Phra Ram 9 thì xuống. Đi trải nghiệm là chính, với cả lúc đó đang rất tắc đường.

Nhìn từ bên ngoài chợ gồm các gian hàng bạt trắng quy hoạch gọn gàng sạch đẹp, chăng đèn vàng lung linh. Tụi mình đến đây với mục đích ăn món sườn tảng nổi tiếng. Quán mình ăn tên gì mình quên rồi. Chỉ nhớ nằm ngay gần cổng, có biển đỏ to No!Skip!, bàn ăn kim loại hoa văn sọc ngang sọc dọc, Nghe nói quán này ngon nhất, một số bạn ăn quán khác sườn vừa bé lại còn đắt hơn.

Nếu bạn không ăn được cay hoặc có bé nhỏ ăn cùng thì nhớ bảo với nhân viên nhé, họ sẽ để riêng sườn và bát nước cay ra. Ai muốn ăn cay thì tự thả vào. Mình gọi suất nhỏ ăn cùng cơm trắng. Giống sườn luộc thôi, hơi ít thịt. Ngoài ra có tom yum cay xè. Tụi mình gọi thêm một đĩa rau muống xào nữa mà cũng cay lắm. Đang ăn thì có một anh hàng đối diện cầm mấy hộp xôi xoài đi mời thế là mua thêm một hộp. Xôi vẫn cứng, đỗ xanh rắc cũng vậy, nói chung không ngon.

Ăn xong tụi mình lượn một vòng xem có gì. Bạt ngàn đồ ăn vặt: côn trùng rang, gỏi sống, bánh trái,… Ba đứa uống thêm mỗi đứa một cốc trà sữa quán Shiba (có hình con chó) rất ngon. Ngồi ở dãy bàn ngay trước một quán cafe đang đánh nhạc hay tuyệt vời.

Sau đó đi về hostel bằng tuktuk. Ban đầu anh tài xế thách giá 200 baht, mình mặc cả xuống 120 baht (bằng giá đi tàu điện ngầm) thì ảnh đồng ý, về tra lại thấy giá grab còn ít hơn nên kinh nghiệm là tra giá trên Grab/Bolt rồi mặc cả loanh quang 15-20 bath ý nhé. Đi tối nên đường vắng, gió tốc tóc mát rượi phê lắm. Con mình thích quá hú hét ầm ĩ.

3.4. Ngày 4: Wat Arun ➡️ IconSiam ➡️ Baiyoke Sky Hotel

Wat Arun

wat-arun
Wat Arun

Thái Lan được mệnh danh là xứ sở chùa Vàng. Vì vậy, thật thiếu sót khi đến đây mà bạn lại không đến thăm một ngôi chùa nào. Chùa tụi mình chọn đặt chân đến là Wat Arun, hay còn gọi là chùa Bình Minh, được xem là một ngôi chùa linh thiêng nhất ở Bangkok được tạo thành từ những ngọn tháp và đứng trên mặt nước. Lưu ý đến chùa bạn mặc quần áo lịch sự, phù hợp nhé, leo lên khá nắng bạn nhớ mang mũ cho bé và mình.

Phương tiện đến đó là BTS, bạn đến trạm Saphan Taksin. Xuống trạm bạn chọn rẽ trái để đi thẳng xuốn phía đợi tàu. Tụi mình cũng tìm tàu màu cam mà trong lúc chưa biết cách nào để đi thì được chỉ ra đi tàu smart ferry. Tàu to xịn lắm nhé, vắng vẻ, rộng rãi, điều hòa mát rượi, 20 baht/người, em bé miễn phí, tuy nhiên đi chậm và chờ hơi lâu mới có một chuyến

Giá vé vào cửa chùa là 100 THB/người lớn. Ngôi chùa có màu trắng cùng với những họa tiết trang trí màu sắc. Bậc thang chùa lên tháp khá cao, nếu có bé thì bạn chú ý nhé, như nhà mình thì để con tự leo lên còn xuống thì người lớn bế xuống. Tụi mình cũng không tham quan được lâu, vì không thể cấm bé không sờ cái nọ, mó cái kia và giữ im lặng trong một thời gian dài được. Nên chỉ leo lên check in vài kiểu, thăm thú xung quanh rồi ra cổng ngồi quán Wat Arun uống nước chờ tàu đi về.

Định là đi tàu smart ferry tiếp mà chờ lâu quá nên tụi mình đi tàu màu cam. đông hơn, 15 baht/người, em bé miễn phí, đi nhanh, nhiều chuyến (tàu màu xanh xịn hơn đôi chút, 50 baht/người). Được cái hưởng gió sông lồng lộng, ngắm dòng nước kỹ hơn. Trên tàu tụi mình có gặp sư thầy mặc áo cam, nên cũng chú ý ngồi xa xa ra, cái này các bạn nữ lưu ý nhé, đừng ở gần lỡ vô tình chạm vào họ.

Trung tâm thương mại lớn nhất châu Á IconSiam

Khu chợ nổi ở Iconsiam

Tụi mình đi tàu về Icon Siam, nơi được mệnh danh là “mẹ của các trung tâm thương mại” để ăn trưa. Nếu cần có thể ra quầy thông tin hỏi mượn xe đẩy cho bé. Như nhà mình là sau khi đi chùa về bé khá mệt đòi bế nên có một chiếc xe đẩy để bé ngồi thì rất đỡ luôn. Đẩy đẩy một lúc bé ngủ lúc nào không biết.

Kiến trúc ở đây thì đẹp với đồ sộ khỏi phải nói luôn. Ngay tầng 1 khu ăn ở Icon Siam họ làm như một khu chợ nổi, bạn có thể mua đồ ăn, ngồi bên sông và thưởng thức âm nhạc. Tụi mình gọi há cảo, xiên que, xôi xoài, sầu riêng và nước hoa quả. Xôi xoài ở đây xôi mềm, còn đỗ xanh rang nên giòn chứ không bị cứng như khi mình ăn mấy hôm trước. Há cảo với xiên que thì cứ bị ngọt ngọt, ăn nhiều hơi ngấy.

Ăn xong tụi mình thăm thú xung quanh rồi bắt BTS về hostel nghỉ ngơi.

Tòa nhà cao nhất Thái Lan Baiyoke Sky Hotel

View toàn cảnh thành phố từ Baiyoke Sky Hotel

Bạn có thể đặt vé ăn buffet ở tầng 78 trên KLOOK (tầng cao hơn thì sẽ đắt hơn). View ở đây đỉnh lắm, mình chọn ngồi ngay cạnh cửa sổ để vừa ăn vừa ngắm toàn thành phố lấp lánh ánh đèn trong đêm.

Về dịch vụ, ngoại trừ lễ tân ở tầng 1 không niềm nở cho lắm thì ổn: Đi cầu thang máy lên đến nơi có người đánh đàn chào đón, em bé thì được mang cho bộ bát đũa ăn dặm riêng, còn có cả bóng làm hình gấu bông. Về đồ ăn có tất cả từ Á sang Âu. Mình chủ yếu ăn hải sản thì thấy tôm sú, hàu, sashimi rất tươi, tuy nhiên ghẹ, tôm càng xanh, bạch tuộc mình thấy không tươi lắm. Về đồ uống có trà sữa Thái trân châu rất ngon.

Ăn uống xong thì tụi mình xuống tầng 77 để chụp ảnh, rất nhiều đồ trưng bày để bạn tha hồ sống ảo. Ở đây cũng có cửa kính to view toàn thành phố. Chụp ảnh chán chê ba đứa đi BTS về hostel.

3.5. Ngày 5: Central World ➡️ Big C

Central World

Cầu đi bộ sang Central World

Từ BTS trạm Phaya Thai mình sang trạm Siam, đi bộ thêm khoảng 500m là đến trung tâm mua sắm lớn nhất Bangkok, Central World. Nếu có bé nhỏ thì bạn có thể mượn xe đẩy ở đây rồi đẩy sang Big C nhé vì 2 chỗ này ở ngay gần nhau. Vì không mấy quan tâm đến mua sắm nên tụi mình lên tầng 2 luôn, dành cho các gia đình có con nhỏ. Ở đây có khu vui chơi Play Mondo xịn xò lắm, nhưng nhà nào có bé lớn lớn một chút hẵng vào chơi cho đỡ phí vì vé cũng khá đắt. Như con mình 2 tuổi rưỡi hơi bé vào chắc chỉ chơi được nhà bóng với mấy trò sasuke. Lưu ý thêm là mang theo tất nữa nha nếu không bạn sẽ phải mua. Đi bộ loanh quanh chán thì tụi mình đi bộ sang Big C chơi.

Tối sau khi đi mua sắm tại Big C xong thì ba đứa lại quay về đây ăn (một phần cũng do muộn rồi nên Big C đóng cửa hết). Ăn ở cửa hàng Kam’s Roast Goose được Michelin đề xuất, tụi mình gọi 1 đĩa cơm vịt quay và 1 cơm xá xíu ăn cũng ổn, hơi khô và nhạt.

Big C

big-c-bangkok
Những món đồ có thể mua làm quà tại Big C Thái Lan

Từ Central World bạn chỉ cần đi bộ sang đường là đến Big C.

Trưa mình ăn tại tầng 2 của siêu thị Big C. Cũng ra quầy nạp tiền vào thẻ và dùng thẻ đấy để mua đồ ăn, thiếu thì nạp thêm còn không dùng hết thì được trả lại tiền thừa. Đồ ăn của Big C vừa ngon vừa rẻ.

Đây là siêu thị Big C lớn nhất Bangkok, gì cũng có luôn. Những đồ tụi mình mua về làm quà: Bento, cá sợi, rong biển, trà thái Chatramue, các loại dầu cao, miếng dán massage, phấn làm mát,… Đợt mình đi vali còn giảm nữa cơ nên mua hẳn 1 cái để nhét đồ siêu thị vừa mua vào, tiện kéo về luôn. Nếu bạn mua trên 2000 baht là bạn được hoàn thuế. Mang theo hóa đơn và hộ chiếu ra quầy chăm sóc khách hàng để làm mẫu hoàn thuế VAT.

3.6. Ngày 6: Check-out hostel ➡️ Sân bay Suvarnabhumi ➡️ Sân bay Nội Bài

dam-lay-ran-san-bay-suvarbabhumi
Bức tượng đầm lầy rắn tại sân bay Suvarnabhumi

Sau khi pack đồ, check-out hostel, tụi mình bắt chuyến ARL ra sân bay Suvarnabhumi. Đi sớm hẳn 4 tiếng do phải làm:

  • Test nhanh covid (ATK): Thời điểm mình viết bài này thì VN đã bỏ test ATK. Nói chung cũng nhanh gọn, 250 baht/người (kể cả trẻ em). Đăng ký xong ngồi chờ gọi vào test. Người lớn lấy dịch mũi, trẻ con dịch họng. Chờ 30 phút sau quay lại có kết quả. Hôm mình về là 14/5 (15/5 VN mới bỏ test ATK) mà cũng không ai thèm kiểm tra giấy này luôn.
  • Thủ tục hoàn thuế: Trước khi ký gửi hành lý, mang hàng và mẫu hoàn thuế đến quầy VAT REFUND INSPECTION để người ta kiểm tra hàng và đóng dấu xác nhận. Sau khi ký gửi, qua hải quan thì sẽ thấy quầy ghi chữ VAT REFUND, vào đây xếp hàng để được hoàn tiền mặt hoặc chuyển qua thẻ.

Ra sân bay mua đồ ở các cửa hàng King Power Duty Free sẽ không bị tính cân và làm thủ tục hoàn thuế. Có một số đồ mình mua được ở đây mà không tìm thấy ở Big C hoặc rẻ hơn nhiều so với mua ở Big C. Dùng tiền mặt thay vì thẻ thanh toán, vì dùng thẻ sẽ bị charge một phần phí dịch vụ quốc tế. Đây cũng là một cơ hội để bạn tiêu nốt số tiền mặt thừa còn lại trong chuyến đi, đỡ phải mang về VN đổi.

Ngoài ra, tụi mình còn đi loanh quanh check-in với các bức tượng hộ pháp mặt quỷ khổng lồ ở đây. Có 1 bức tượng to nhất nằm ở phía cuối mang ý nghĩa đầm lầy rắn độc “lột xác” thành sân bay quốc tế hàng đầu. Sau đó là ăn trưa rồi lên đường về nước.

4. Tổng chi phí cho chuyến du lịch Bangkok 6n5đ cho 2 người lớn, 1 trẻ em trên 2 tuổi

Vé máy bay khứ hồi: 7650k
Bảo hiểm: 340k
Taxi chiều đi và về Nội Bài: 550k
Sim 4G: 220k

Tiền phòng: 2.2tr

Tiền đi lại trong Thái Lan: khoảng 1.5tr

  • ARL, BTS, MRT cho 6 ngày: 770k
  • Tuk tuk: 90k
  • Taxi hôm đi Safari : 520k
  • Taxi đi Baiyoke: 110k
  • Thuyền đi ra Wat A Run và đi về IconSiam: 50k

Tiền ăn: khoảng 5tr

  • Ngày 1: sáng sân bay Nội Bài 120k, trưa 7 eleven ở sân bay Suvarnabhumi 160k, tối Terminal 21 280k
  • Ngày 2: trưa Siam 330k, tối Siam 550k
  • Ngày 3: trưa Safari 240k, tối Jodd Fair 450k
  • Ngày 4: trưa IconSiam 320k, tối buffet Baiyoke 1490k
  • Ngày 5: trưa Big C 170k, tối Central World 620k
  • Ngày 6: trưa sân bay Suvarnabhumi 300k
  • Ăn sáng và ăn vặt mua ở 7 eleven

Vé tham quan: khoảng 3.5tr

  • Thủy cung, Bảo tàng tượng sáp: 1900k
  • Safari + bus: 1480k
  • Wat A Run: 140k

Test nhanh covid chiều về: 530k

Túm lại, tổng chi phí cho chuyến du lịch Bangkok 6n5đ cho 2 người lớn, 1 trẻ em trên 2 tuổi khoảng 20.5 triệu.

Hy vọng với những kinh nghiệm du lịch Bangkok Thái Lan mà mình chia sẻ trên đây sẽ giúp gia đình bạn lên được kế hoạch dễ dàng và cụ thể hơn. Chúc bố mẹ và các bạn nhỏ có một chuyến đi vui vẻ, nhiều kỷ niệm đáng nhớ và trải nghiệm thú vị. Đừng quên like hoặc share nếu bạn cảm thấy hữu ích nhé!

Xem thêm: TOP 11 MÓN ĐỒ ĐI DU LỊCH KHÔNG THỂ THIẾU KHI CÓ TRẺ NHỎ

You may also like

1 comment

Ngọc Lan 27/05/2023 - 9:46 AM

Bạn ơi mình muốn hỏi kinh nghiệm đi du lịch thái lan tự túc của bạn vì nhà mình có con nhỏ

Reply

Leave a Comment