Cách làm Thái Pass 2022 cực chi tiết và dễ hiểu

by Hoang Lan Phuong

Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn cực chi tiết và dễ hiểu cách làm Thái Pass 2022 (Thailand Pass) kèm hình ảnh minh họa. (Update 22/5/2022)

1. Khái niệm dành cho người-chưa-biết-tý-gì

Ơ tại sao phải viết về cách làm Thái Pass 2022 nhỉ và Thái Pass là cái của khỉ gì? Trước giờ đến Thái chỉ cần thích là book vé máy bay bay rẹt phát là sang cơ mà? Vâng. Đó là vào lúc trước, khi em Cô vy xinh đẹp chưa ghé thăm chúng ta. Và sau hai năm trời chung sống với em ý, thì giờ đây trạng thái bình thường mới đang được dần thiết lập. Du lịch mở cửa, các hàng rào nới lỏng, và đường đi tới nước Thái Lan thân yêu cũng vậy.

Môt thời gian dài trước đây muốn tới Thái Lan, du khách phải nhập cảnh theo diện Test & Go: Tức là ngày 1 khi vừa tới Thái phải ở tại một khách sạn để test PCR. Nếu kết quả âm tính thì vào ngày 2 thì sẽ được cho phép đi thoải mái; còn nếu lỡ quay vào ô dương tính thì…dành cả kỳ nghỉ chữa Covid19 với chi phí y tế đắt đỏ.

Không chỉ thế, ngày cuối cùng trước khi về Việt Nam, cũng yêu cầu phải test lại. Và toàn bộ những thủ tục trên đây sẽ được trình bày trong một hồ sơ được gọi là Thái Pass, thẻ thông hành Thái Lan, nộp và được chấp thuận trước khi bạn bay đến Thái. Bạn phải chứng minh rằng đã đặt và trả trước cho khách sạn và dịch vụ y tế, bảo hiểm trong Thái Pass. Nói chung thủ tục phức tạp và lằng nhằng.

Và rồi với tình hình các nước bạn nô nức mở cửa, bỏ dần các hàng rào nhập cảnh cho du khách thì mới đây chính phủ Thái Lan quy định từ ngày 1/5/2022 khi nhập cảnh du khách không cần theo diện Test & Go nữa, mà chỉ cần nộp hồ sơ Thái Pass, được chấp thuận (approved) là cứ thế đi luôn. Thái Pass bây giờ cũng đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần hộ chiếu còn hạn, bảo hiểm với mức chi trả từ $10,000 (có bao gồm Covid19), tiêm ít nhất 2 mũi (nếu thiếu thì sẽ test PCR) là đã có thể nhập cảnh Thái rất dễ dàng. Còn khi về, từ 15/5/2022, Việt Nam đã bỏ yêu cầu test nhanh, chỉ cần hộ chiếu là về tới Tổ Quốc rồi.

Tóm gọn lại, giờ tới Thái Lan bên cạnh vé máy bay, hộ chiếu thì cần phải được cấp mã Thái Pass, thẻ thông hành. Thế cho nó vuông!

Mình vừa tự nộp hồ sơ Thái Pass thành công, nên tiện đây chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm cách làm Thái Pass 2022 (Thailand Pass). Hồ sơ mình nộp theo diện Fully Vacinated – tức là tiêm ít nhất 2 liều vắc xin. Hai hồ sơ cho hai người lớn, trong đó một người có kèm bé nhỏ 3 tuổi.

Vì là lần đầu nên mình cẩn thận xin Thái Pass trước 5 ngày. Lúc nộp xong email có báo về sẽ nhận được kết quả trong vòng 2 ngày. Nhưng tầm nửa ngày là mình nhận được email chấp thuận kèm mã QR pass rồi. Mình có tìm hiểu thì được biết các bạn có thể khai Thái Pass trước tối đa là 60 ngày, miễn là bạn đã đầy đủ giấy tờ. Hạn Thái Pass là 14 ngày gồm 7 ngày trước và 7 ngày sau khi bạn bay đến. Giờ thì chúng mình cùng tìm hiểu cách làm Thái Pass 2022 (Thailand Pass) từng bước cụ thể ra sao nhé!

(CẬP NHẬT 22/5/2022: Thái Pass bỏ cho người quốc tịch Thái, người nước ngoài vẫn cần khai Thái Pass khi nhập cảnh)

2. Chuẩn bị hồ sơ Thái Pass

cach-lam-thai-pass-chuan-bi-ho-so
Chuẩn bị hồ sơ Thái Pass

Hồ sơ Thái Pass gồm có:

  • Ảnh chụp trang đầu của hộ chiếu
  • Chứng nhận tiêm chủng
  • Chứng nhận bảo hiểm chi trả tối thiểu $10,000
  • Mã hiệu vé máy bay chiều đi

2.1. Ảnh chụp trang đầu của hộ chiếu

Chụp ảnh trang đầu tiên của hộ chiếu rõ nét, sáng sủa, không bị lóa. Tốt nhất bạn nên mang đi scan. Còn nếu không có điều kiện, thì hãy dùng thiết bị chụp ảnh tương đối tốt. Đặt hộ chiếu ở nơi đủ sáng để chụp.

Mình thì chụp rồi bỏ ảnh vào trong app CamScanner để quét hình để hình như được scan. Hơn nữa hình đó mình dùng để đi in cũng sẽ cho ra chất lượng như đi photo vậy.
App CamScanner tải tại đây: Android hoặc iOS

2.2. Chứng nhận tiêm chủng

Đầu tiên, truy cập vào trang web Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Sau đó nhập đầy đủ thông tin vào các ô. Nhập xong ấn “Tra cứu”. Lưu ý: Nhập số điện thoại và số Căn cước/Hộ chiếu/CMND mà bạn đã dùng để khai khi tiêm vắc xin (Nếu quên có thể xem trong app PC Covid).

Sẽ có một mã xác nhận gửi tới SĐT bạn đã đăng ký. Kiểm tra tin nhắn và nhập mã.

Điền xong trang web sẽ hiện ra chứng nhận tiêm chủng có mã QR của bạn. Di chuyển chuột đến góc phải trên cùng của màn hình để đổi ngôn ngữ sang Tiếng Anh (EN).

Chụp ảnh màn hình lại bằng cách ấn nút PrtSc bên phải bàn phím.

Sau đó mở phần mềm Paint (có thể ấn phím Windows + S gõ tìm “Paint”) dán ảnh bạn vừa chụp màn hình (Paste). Nhớ lưu lại ảnh jpeg này vào thư mục nhé.

Ngoài cách này, bạn có thể dịch thuật chứng nhận tiêm bằng giấy của mình sang Tiếng Anh rồi chụp lên (nhớ phải có dấu đỏ của công ty dịch thuật) hoặc chụp màn hình app PC Covid sau khi đổi ngôn ngữ sang Tiếng Anh. Lưu ý là không chỉ chụp trang đầu có mã QR, mà bạn còn phải chụp cả trang có rõ thông tin mũi tiêm của mình. Sau đó dùng phần mềm ghép chúng thành 1 file ảnh hoặc file pdf (như hình bên dưới)

Không có mô tả.

Lưu ý là với chứng nhận tiêm vắc xin, nếu có mã QR để họ quét thì thủ tục sẽ nhanh chóng và gọn gàng hơn, nên kết quả cũng sẽ nhận được nhanh hơn nhé.

2.3. Chứng nhận bảo hiểm

Câu chuyện mua bảo hiểm khá dài dòng nên mình phải tách riêng thành một mục trong bài hướng dẫn cách làm Thái Pass 2022 (Thailand Pass) này (phần 3 ngay bên dưới).

3. Mua bảo hiểm

Bảo hiểm sẽ có 2 loại: Bảo hiểm Thái Lan và Bảo hiểm Việt Nam (nhưng cả hai đều mua ở Việt Nam nhé, khác là trụ sở họ ở đâu).

Về giá cả: Bảo hiểm Thái sẽ đắt hơn bảo hiểm Việt nếu như bạn du lịch ngắn ngày.

  • Với gói truyền thống/cơ bản thì bảo hiểm hãng Liberty tại Việt Nam hiện có giá 168k/người cho chuyến du lịch từ 4-6 ngày; và nếu mua theo gói gia đình chi phí này có thể nhỏ hơn. Một điều lưu ý là khi mua bảo hiểm Việt Nam, bạn cần xem quy tắc bảo hiểm có bao gồm chi phí điều trị Covid-19 không.
  • Bảo hiểm Thái Lan thì có 3 hãng bảo hiểm được gợi ý bởi Bộ Ngoại giao Thái Lan trên trang đăng ký Thái Pass: FWD, AXA và MSIG, trong đó bảo hiểm của FWD là rẻ nhất: 650 bath (khoảng 470k) cho 30 ngày. Bảo hiểm này phân rất rõ các khoản chi trả cho Covid-19. Các bạn lưu ý các hãng bảo hiểm, cả trong và ngoài nước hiện chỉ chi trả cho chi phí điều trị y tế, chứ không chi trả cho chi phí ăn ở nếu chẳng may mắc Covid19 nhé (trừ trường hợp nhập viện (hospital) và điều trị như bệnh nhân nội trú (inpatient)).
  • Còn nếu như phải ở lại Thái Lan trong thời gian dài ngày (30 ngày trở lên), thì có vẻ vấn đề giá cả giữa bảo hiểm Việt Nam và Thái Lan không còn quan trọng nữa.

Ảnh: Bảo hiểm FWD 30 ngày có giá 650 bath cho gói thấp nhất

Về thủ tục khi phải nhập viện: Bảo hiểm Thái Lan không cần phải cọc tiền khi nhập viện, còn bảo hiểm Việt Nam thì có; và chi phí cho khoản đó khá lớn (khoảng 100,000 bath tương đương 70tr VND).

Về thanh toán: Bảo hiểm Việt Nam bạn sẽ phải trả trước, thanh toán sau, còn bảo hiểm Thái Lan sẽ quyết toán tại chỗ.

Mình thì xác định bảo hiểm như một dạng giấy thông hành sang Thái Lan thôi, nên mình chọn gói bảo hiểm Việt Nam. Bạn có thể mua online trực tiếp trên trang web của các hãng bảo hiểm, chọn ngôn ngữ Tiếng Anh cho giấy xác nhận bảo hiểm nhé.

  • Mình mua bảo hiểm Liberty TẠI ĐÂY (Với những bố/mẹ đi cùng trẻ nhỏ, chọn gói bảo hiểm gia đình nhé).
  • Mua bảo hiểm Thái Lan tại trang web của Thái Pass.
  • Sau khi mua xong, hãng bảo hiểm sẽ gửi chứng nhận bảo hiểm bằng file PDF qua mail mà bạn đã đăng ký. Nhớ điền cẩn thận và đầy đủ các thông tin như họ tên, số căn cước/hộ chiếu nhé, vì đây là mua online nên nếu sai sót thì cũng khá lằng nhằng đó.
  • Nhận được giấy chứng nhận rồi thì bạn qua trang web này để chuyển file pdf về file ảnh (Vì Thái Pass ở mục upload sẽ upload ảnh lên thay vì file) (Cập nhật 22/5/2022: Thái Pass đã cho phép upload file pdf ở mục này nên các bạn chỉ cần đính kèm file pdf là được)

4. Nộp hồ sơ xin Thái Pass

4.1. Bước 1: Truy cập trang web nộp Thái Pass

Ở trang này bạn sẽ có hai lựa chọn: Air Travel (Đi bằng đường hàng không) và Land Travel (Đi bằng đường bộ). Mình bay từ Hà Nội nên sẽ chọn Air Travel.

Sau khi chọn xong sẽ nhảy ra một cửa sổ Popup như thế này:

Dùng để thông báo những quy định để có thể nhập cảnh Thái Lan. Ở đây mình chỉ nói tới lựa chọn không phải cách ly, gồm có những yêu cầu:

a. Đối với người đã tiêm vắc xin đầy đủ:

Là người tiêm ít nhất 2 liều vắc-xin hoặc Người tiêm 1 liều nhưng đã từng mắc Covid19 trong vòng 6 tháng trở lại đây.

  • Đăng ký Thái Pass và được chấp thuận
  • Hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng
  • Chứng nhận tiêm chủng (hoặc chứng nhận khỏi Covid19)
  • Chứng nhận bảo hiểm ít nhất $10,000 (áp dụng với người không có quốc tịch Thái)

b. Đối với người tiêm 1 liều hoặc chưa tiêm

  • Đăng ký Thái Pass và được chấp thuận
  • Hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng
  • Kết quả xét nghiệm COVID-19 RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Chỉ phải đính kèm trong Thái Pass.
  • Chứng nhận bảo hiểm ít nhất $10,000 (áp dụng với người không có quốc tịch Thái)

Lưu ý nhỏ thứ 1: Trẻ em dưới 18 tuổi (0-17 tuổi) đi cùng với bố/mẹ thuộc diện số 1 (đã tiêm vắc xin đầy đủ) sẽ không phải xin Thái Pass riêng mà sẽ khai chung với Thái Pass của bố/mẹ; kể cả trẻ đó có tiêm hay chưa. Nhưng vẫn cần mua bảo hiểm cho trẻ nhé.

Lưu ý nhỏ thứ 2: Nếu trẻ chưa tiêm/tiêm thiếu từ 6-17 tuổi đi cùng bố/mẹ thuộc diện số 2 (chưa tiêm/tiêm thiếu) thì sẽ phải có xét nghiệm PCR trong vòng 72h, và nộp hồ sơ cùng bố mẹ.

Kết luận là trẻ dưới 6 tuổi thì không phải test gì, chỉ cần mua bảo hiểm chi trả tối thiểu $10,000 cho bé thôi nhé. Hồ sơ làm chung với Thái Pass của bố/mẹ.

Hiểu rồi thì ấn dấu X tắt cửa sổ popup đi.

4.2. Bước 2: Chọn quốc tịch: Người Thái thì chọn chữ Thái, người không Thái thì chọn Non-Thai

Tiếp sau đó chọn ngôn ngữ Tiếng Anh.

4.3. Bước 3: Chọn hồ sơ phù hợp với mình

Ở đây có hai diện: Diện nhập cảnh không cách ly (No Quanrantine) và diện cách ly (Quarantine). Dưới mỗi lựa chọn có chỉ rõ các điều kiện và các giấy tờ cần thiết. Với diện không cách ly, yêu cầu phải tới từ nước/địa phận khác (không phải Thái Lan).

Hồ sơ cần nộp gồm những gì mình đã liệt kê rõ ở bước 1 rồi nhé. Thái Pass yêu cầu phải có bảo hiểm chi trả ít nhất $10,000 và phải chi trả cả cho Covid-19. Vậy nên ở mục No Quarantine có gợi ý một số gói bảo hiểm cho những người chưa mua. Ai chưa mua thì có thể mua tại đây luôn.

Về cách mua Bảo hiểm như thế nào, các bạn xem lại Phần 3 của bài hướng dẫn cách làm Thái Pass 2022 (Thailand Pass) này, phần Mua bảo hiểm nhé.

4.4. Bước 4: Khai báo thông tin cá nhân

Các bạn điền thông tin vào các mục, lưu ý điền bằng Tiếng Anh. Ở phần Flight Number điền số hiệu máy bay (VJ123,.. gì đó).

Điền xong ấn Register (Đăng ký).

Sẽ nhảy ra một cái Popup cam kết thông tin đã điền là trung thực và đúng sự thật. Ấn Confirm (Xác nhận).

Tiếp tục điền thông tin. Lưu ý nếu như nộp hộ hồ sơ thì điền email là email của mình để dễ theo dõi kết quả nộp Thái Pass hộ nhé.

Bỏ ảnh hộ chiếu như mình đã hướng dẫn ở phần 1.

Ở đây nếu như bạn đi kèm trẻ em dưới 18 tuổi, thì ấn vào Add more để khai báo cho trẻ.

Khai báo và tải lên ảnh hộ chiếu của trẻ.

Nếu trẻ đã tiêm vắc xin thì khai báo. Còn nếu không thì bạn bỏ qua phần khai báo vắc xin cho trẻ.

Khai báo Bảo hiểm của trẻ. Ở phần tải giấy tờ chứng minh, chỉ được tải file ảnh. Nên bạn đính kèm ảnh xác nhận bảo hiểm. Mình đã hướng dẫn cách chuyển file pdf thành file ảnh ở Phần 2: Mua bảo hiểm. Nếu có nhiều ảnh cho một bản Chứng nhận bảo hiểm, chọn ảnh có chỉ rõ mức chi trả bảo hiểm và xác nhận của bên Bảo hiểm.

4.5. Bước 5: Khai báo thông tin tiêm Vắc xin

Phần này dành cho khai báo các thông tin liên quan tới Vắc xin. Hoặc nếu chưa tiêm Vắc xin thì khai báo kết quả RT-PCR.

Điền các thông tin liên quan và tải lên ảnh chụp màn hình chứng nhận tiêm (như mình đã hướng dẫn ở Phần 1). Ở đây có hai mục để đăng tải. Bên trái là giấy tờ chứng minh không có QR và bên phải là QR code. Mình đăng tải cả hai cùng một file ảnh vì QR code của mình bao gồm trong đó rồi. Nếu ở bước này bạn sử dụng PC-Covid thì đăng tải ở QR Code nhé.

Ở đây họ để sẵn ô khai báo cho 2 liều vì khái niệm Fully Vacinated (Tiêm vắc xin đầy đủ) được định nghĩa cho người tiêm từ hai liều trở lên, hoặc 1 liều và đã khỏi Covid19 trong vòng 6 tháng trở lại đây. Nếu bạn tiêm liều thứ 3, thứ 4 rồi thì có thể ấn Add more vaccination để khai báo.

4.6. Bước 6: Khai báo thông tin nơi ở/Booking khi đến

Một lưu ý ở bước này là bạn KHÔNG CẦN BOOKING TRƯỚC vẫn khai báo được. Ví dụ như mình chưa lên được lịch trình cụ thể và chính thức, nên mình điền địa chỉ hostel mình định book.

Ở phần dưới là để khai báo địa chỉ thường trú tại Việt Nam, số điện thoại của bạn tại Việt Nam, kèm người liên lạc khẩn cấp khi cần.

4.7. Bước 7: Thông tin về bảo hiểm

Bảo hiểm mua ở đâu, mua thế nào mình đã viết rõ ở Phần 3 trong bài hướng dẫn cách làm Thái Pass 2022 (Thailand Pass) này rồi nhé. Các bạn tìm lại để đọc.

Khai báo phần này cũng đơn giản, chỉ cần tích và tải ảnh Chứng nhận bảo hiểm lên là được.

Có thể mua Bảo hiểm Thái Lan ở bước này mà không phải quay lại từ bước đầu xa lắc xa lơ nếu có lỡ quên chưa mua. Họ chu đáo ghê chưa.

Ở cuối phần này có mục đính kèm thêm tài liệu (Additional Documents). Nếu như bạn có các tài liệu khác có thể bổ sung ở mục này (không giới hạn số lượng).

Sau khi bạn điền xong và tải các tài liệu cần thiết, hãy kiểm tra lại một lần nữa trước khi ấn nộp hồ sơ nhé! Nộp thành công màn hình sẽ có một cửa sổ popup thông báo kèm một mã số dùng để theo dõi số hồ sơ của bạn.

Giờ thì check hòm mail xem có email xác nhận đăng ký không và ngồi chờ kết quả Thái Pass thôi. Chậm nhất là 2 ngày bạn sẽ nhận được kết quả.


Như mình thì chưa tới nửa ngày là nhận được kết quả thông qua. Do mình nộp lúc 2h sáng chứ nhiều bạn 4h sau là nhận được kết quả rồi. Tới bước này thì xin chúc mừng, bạn đã tự nộp Thái Pass thành công rồi đấy! Hy vọng với chỉ dẫn cách làm Thái Pass 2022 (Thailand Pass) trên bạn sẽ được Chấp thuận (Approved) sớm và thực hiện chuyến vi vu tới Thái của mình. Đừng quên like hoặc share nếu bạn cảm thấy hữu ích nhé!

Xem thêm: LANG THANG CÙNG CON TẠI BANGKOK 6N5Đ

You may also like

Leave a Comment